Đó là kiến nghị của Liên minh Đất đai (LANDA) với 18 thành viên là các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, tại hội thảo "Chia sẻ kết quả tham vấn cộng đồng và thăm dò ý kiến người dân để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" được tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội...
LANDA đã tiến hành tham vấn ý kiến của người dân tại các tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Quảng Bình, Long An và thăm dò ý kiến trên 3 báo điện tử gồm Vietnamnet, VnEconomy, Danviet.vn với sự tham gia của 9.492 người dân, nhằm xác định rõ hơn mong muốn của cộng đồng đối với việc điều chỉnh chính sách đất đai. Kết quả, hầu hết người dân đều cho rằng quá trình thu hồi đất hiện nay còn thiếu minh bạch, người dân luôn bị đặt vào thế bị động, thậm chí bị ép buộc di dời.
Các dự án thương mại cần áp dụng cơ chế thoả thuận giá đền bù giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. |
Cuộc sống của người dân bị thu hồi đất trở nên khó khăn do mất sinh kế, không tìm được việc làm thay thế, nhiều gia đình vì vậy bị đẩy trở lại tình cảnh đói nghèo. 95% ý kiến cho rằng, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần đạt được sự đồng thuận của người dân và phương án chỉ được duyệt khi đạt được 70% sự đồng thuận.
LANDA kiến nghị, Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Điều này có nghĩa là không áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, dự án thương mại vì lợi ích thuần tuý của nhà đầu tư. Nhà nước không thu hồi đất cho các dự án chỉnh trang, phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, dự án khai thác... Các dự án vì lợi ích của chủ đầu tư mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì cần áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất.
LANDA cũng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn giữ nguyên tắc, khi Nhà nước lấy đất thì bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương. Như thế là chưa đầy đủ, bởi lẽ, ngoài ý nghĩa tài sản, đất đai còn là tư liệu sản xuất, là nguồn sống của người dân. Vì vậy, khi thu hồi đất nông nghiệp, chủ đầu tư dự án không chỉ phải bồi thường cho người dân giá trị tài sản của đất mà còn phải bồi thường về sinh kế. Nhà đầu tư phải chi trả cho người dân khoản thu nhập từ đất ngang mức thu từ sử dụng đất trước đây cho tới khi người dân mất đất có được việc làm, thu nhập mới, tránh tình trạng phó mặc sinh kế của người dân cho Nhà nước.
Việc UBND tỉnh vừa có quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có quyền quyết định giá đất là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá đất thiếu khách quan. Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, người dân cho rằng phải tách thẩm quyền quyết định giá đất ra khỏi thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. 84,68% số người được hỏi cho rằng, không nên trao thẩm quyền định giá đất cho UBND các tỉnh. 92,35% ý kiến đồng ý cần có tổ chức định giá đất độc lập, để định giá đất khách quan, phù hợp với thị trường trước khi Nhà nước quyết định. 93,3% ý kiến cho rằng, người bị thu hồi có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức định giá đất độc lập để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Để kiểm soát được việc định giá đất, LANDA kiến nghị, Nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất quốc gia, trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, có chức năng quyết định giá đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cổ phần hoá doanh nghiệp mà Nhà nước có tài sản là quyền sử dụng đất.
Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch LANDA cho biết. Việc Quốc hội quyết định lùi thời gian biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cơ hội lớn để người dân và các ban, ngành có thêm ý kiến cũng như giúp cơ quan soạn thảo có thêm thời gian để cân nhắc thấu đáo, sao cho đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Người dân không được biết thông tin về quy hoạch đất Hầu hết các ý kiến tham vấn đều cho rằng, người dân không được biết thông tin trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngay trên đất họ đang sử dụng. Nguyện vọng của người dân là được tham gia vào quá trình lập và quyết định các quy hoạch, vì đây là vấn đề sinh kế lâu dài. 95% ý kiến người dân đồng ý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ được phê duyệt khi đạt được ít nhất 70% ý kiến đồng thuận của người dân địa phương. |