Không thiếu quỹ đất cho giao thông tĩnh!
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc xây dựng bãi đỗ xe trong các công viên, vườn hoa mà Hà Nội đã phê duyệt hàng loạt dự án là một điều không hợp lý.
Nếu để giải quyết bài toán thiếu quỹ đất, thì Hà Nội vẫn còn quỹ đất lớn từ việc di dời các cơ quan, trụ sở bộ ngành, các trung tâm, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng, tác động xấu tới môi trường… trong nội đô.
Ông Nghiêm phân tích: thời gian qua, quy hoạch giao thông Hà Nội đã tiêu tốn ngân sách xấp xỉ con số 9.000 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn không đạt được quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2009 về giao thông.
KTS Đào Ngọc Nghiêm: “Gỡ bài toán giao thông, Hà Nội cần nhiều giải pháp!” |
Theo đó, diện tích dành cho giao thông ở nội đô phải đạt con số 20 – 25% để xây dựng hạ tầng, đường phố, hè phố, điểm/bãi đỗ xe…
Trong quỹ đất giành cho xây dựng giao thông, phải có ít nhất 30% đất xây dựng giao thông tĩnh.
Ở Hà Nội, con số này mới chỉ đạt 10% so với quy chuẩn, trong khi tốc độ tăng trưởng các phương tiện giao thông quá nhanh. Hà Nội hiện có 14 triệu xe máy, hơn 4 vạn xe ô tô tập trung trong nội đô, đó là chưa tính đến số lượng phương tiện giao thông ngoại tỉnh.
KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: không gian công cộng, không gian xanh của Hà Nội rất thiếu và cần thiết, do đó không nên xây dựng các điểm/bãi đỗ xe trong công viên.
Chỉ tận dụng một phần diện tích quỹ đất đó với điều kiện không làm giảm và xâm hại đến diện tích cây xanh, lớp phủ cây xanh bề mặt. Do đó, nếu tiến hành thì nên triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, tuy nhiên, sẽ tốn kém nhiều tiền đầu tư và khả năng thu hồi vốn chậm.
Theo ông Nghiêm, chủ trương di dời các trụ sở ban ngành, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm… ra khỏi nội đô, Hà Nội sẽ có thêm quỹ đất hàng trăm ha. Có thể quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe tại các vị trí này.
Đơn cử, địa điểm 16 Cát Linh trước kia được quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe để phục vụ các điểm SVĐ Hàng Đẫy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám... và SEA Games 22. Tuy nhiên, SVĐ Mỹ Đình được xây dựng và đưa vào sử dụng đã làm giảm nhu cầu đỗ xe, và trước sức ép về trụ sở làm việc nên UBND TP đã chủ trương di dời Sở KH&ĐT từ Trần Nguyên Hãn về 16 Cát Linh.
Dự án xây dựng bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất gặp nhiều ý kiến phản đối. |
Hiện tại, Sở KH&ĐT đã di dời sang trụ sở mới. Hà Nội nên tiếp tục thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe 7 tầng đã được phê duyệt trước đó tại địa chỉ 16 Cát Linh này!.
Cần giải pháp đồng bộ!
Để giải quyết bài toán giao thông đô thị đang hết sức rối ren, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Cụ thể: phương án hạn chế các phương tiện giao thông nội đô, tuy nhiên, giải pháp này cần được thực hiện theo hướng nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước bằng việc rà soát các xe cũ quá hạn sử dụng không cho lưu thông; đưa ra điều kiện đăng ký xe mới trong các quận nội đô (như phải thường trú tại đó từ 3 – 5 năm, phải có… chỗ đỗ xe mới được quyền đăng ký xe (đối với xe bốn bánh)…
Giải pháp thứ hai, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm là tổ chức lại giao thông cho hợp lý: phân luồng phân làn, tập trung xe lớn ngoài đường vành đai, gia tăng phương tiện GTCC…
Cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc đưa vào sử dụng nhằm “gỡ” nút giao thông tại ngã tư có lượng xe lưu thông mật độ lớn. |
“Hà Nội phải xây dựng hệ thống đường giao thông liên hoàn. Tôi thấy, hệ thống đường vành đai của HN chưa liên thông, mới chỉ làm theo từng khúc. Việc xây dựng các cầu vượt mới giành cho xe dưới 9 chỗ và xe máy như cầu vượt ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà; Láng Hại – Huỳnh Thúc Kháng… vô hình trung tạo thêm các điểm thắt nút mới, vì xe trên 9 chỗ không được phép qua cầu, lại vòng xuống phía dưới gầm cầu… khiến giao thông bị chia cắt, rất lộn xộn”.
Ông Nghiêm cũng đề xuất, Hà Nội nên hạn chế xây dựng các công trình nhà cao tầng dọc hai bên các tuyến phố để không gây cản trở tầm nhìn giao thông.
“Một tòa nhà cao tầng mọc lên ngay mặt phố, nó không chỉ ảnh hưởng tới không gian quy hoạch chung, mà cái quan trọng là nó sẽ “đưa” thêm hàng ngàn con người về điểm tập trung này. Đương nhiên, đó cũng là tạo thêm sức ép cho giao thông nội đô!” - ông Nghiêm nói.
Về phân bố dân cư đô thị, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, tới đây Hà Nội sẽ phải nghĩ đến việc giảm dân số nội đô xuống ở ngưỡng 80 vạn – con số đã được đề xuất từ năm 1998 về việc hạn chế dân số trong nội đô từ 96 vạn xuống còn 80 vạn.
Tuy nhiên, đề xuất năm 1998 này của Hà Nội không thực hiện được, dân số đô thị bùng phát gia tăng lên 1,2 triệu dân.
“Việc cống hóa, bê-tông hóa, ngầm hóa một loạt các kênh mương như Tô Lịch, Kim Ngưu, Thái Hà… cũng sẽ cải tạo được môi trường, cải tạo cảnh quan và sử dụng diện tích đó làm các điểm đỗ xe. Ngay như các cầu vượt lớn như Pháp Vân, Mai Dịch…, tôi thấy không nên sử dụng làm bãi đỗ xe.
Hệ thống đường dẫn lên cầu Chương Dương từng được tổ chức một cuộc thi thiết kế để tạo một không gian đẹp cho công trình và công cộng, thế nhưng nó lại được trưng dụng khoảng không gầm cầu làm bãi gửi xe. Ở phương Tây, gầm cầu vượt cũng là một công trình nghệ thuật, và được bảo lưu chứ không như cách mà Việt Nam sử dụng!” – KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.