Với chủ trương phân cấp cho địa phương, không thể phủ nhận kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có bước chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, thực tế cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề cần phải được điều chỉnh.
Không thể cứ mãi phá rào, vượt khung
Đây cũng là nhận định của tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi trao đổi với báo chí sau khi chính thức nhận bàn giao công việc. Vị Bộ trưởng hơn một lần khẳng định, sẽ phải có “phin lọc”, nghĩa là có yêu cầu cao hơn với thu hút FDI. Cụ thể là hướng tới các tập đoàn mạnh, tiềm lực lớn, sở hữu công nghệ cao; đầu tư đúng định hướng phát triển của Việt Nam. Tất nhiên, ông không quên nói thêm: “Ở những vùng sâu, vùng xa thì tiêu chí có thể thấp hơn một chút, nhưng đối với những địa bàn trọng điểm có nhiều ưu thế thuận lợi thì nhất định phải theo hướng đó”.

“Níu” nhà đầu tư bằng ưu đãi vượt khung


UBND tỉnh Bắc Ninh gần đây có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xem xét dành cho Nokia - Tập đoàn đang dự tính sẽ triển khai một dự án đầu tư sản xuất điện thoại tại tỉnh này, được hưởng các ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao. Lãnh đạo tỉnh không chỉ “tha thiết” kiến nghị mà còn nhấn mạnh rằng, đây là một dự án rất quan trọng đối với tỉnh. Các kiến nghị, ưu đãi mà tỉnh đề nghị Chính phủ đều xuất phát từ kiến nghị của doanh nghiệp. Vấn đề là theo các quy định hiện hành của Việt Nam, dự án đầu tư của Nokia chưa đạt được các tiêu chí là doanh nghiệp công nghệ cao. Nhưng để “níu” chân nhà đầu tư nhằm thu hút một dự án lớn, tỉnh này vẫn ủng hộ đề xuất của họ (theo công bố của nhà đầu tư, Nokia dự kiến sẽ đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại rộng 80.000 m2 tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh với vốn đầu tư 200 triệu euro). Kiến nghị của tỉnh Bắc Ninh không có gì mới, bởi trước đó hồi đầu năm, doanh nghiệp và tỉnh cũng đã có văn bản đề xuất các nội dung xin được ưu đãi tương tự. Và Chính phủ đã có thông báo với quan điểm khá rõ ràng là chỉ dành những ưu đãi cho Nokia như là một doanh nghiệp chế xuất. Việc cho nhà đầu tư được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp thực sự đạt các tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao.


Về phía Nokia, lý lẽ mà họ đưa ra là nếu quy định hiện hành của Việt Nam chưa công nhận dự án sắp tới của Nokia là “công nghệ cao”, thì Tập đoàn sẽ xin gia hạn 3 năm để có thể đáp ứng các tiêu chí “công nghệ cao” nếu sau 3 năm không đáp ứng được thì sẽ xin nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp FDI bình thường. Đến nay, Nokia hầu như chưa có động thái gì cụ thể trong việc hoàn tất các thủ tục cần thiết cho dự án, mặc dù tỉnh Bắc Ninh đã sẵn sàng cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng khi trả lời câu hỏi: “Phải chăng Nokia đang chần chừ trong việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam do không đạt được những ưu đãi mong muốn từ phía Chính phủ?” của DOANH NHÂN (xem thêm bài “Kế sách mới của Nokia”, trang 34 số ra ngày 9/8/2011), ông William Hamilton-Whyte, TGĐ Nokia Đông Dương nói: “Cam kết của Nokia với Việt Nam vẫn không thay đổi” và công ty “vẫn đang triển khai các hoạt động chuẩn bị cho chương trình theo đúng tiến độ”.


Bắc Ninh không phải là địa phương duy nhất “chiều chuộng” nhà đầu tư theo cách đó.


Phải có “phin lọc”!


Việc các tỉnh hết lòng ủng hộ và “chiều chuộng” nhà đầu tư là một thực tế dễ hiểu. Bởi đây là cách tốt nhất để thu hút vốn đầu tư. Phải có ưu đãi gì hơn thì mới có thể mời gọi, giữ chân được các nhà đầu tư. Và vì vậy tỉnh nào khi xin thêm cơ chế từ Chính phủ cũng đều có lý lẽ nghe qua thì rất thuyết phục. Việc các nhà đầu tư cò kè xin ưu đãi trước khi quyết định đầu tư cũng không có gì đáng phê phán vì đầu tư, kinh doanh thì phải làm sao có lợi nhất.


Nhưng nếu các địa phương đều cùng áp dụng chiêu thức này để mời gọi đầu tư, đều đề nghị vượt rào thì sẽ phá vỡ quy định chung của hệ thống pháp luật về đầu tư hiện tại, đồng thời tạo ra tiền lệ xấu.


Mặt khác do mong muốn thu hút thật nhiều vốn đầu tư nên nhiều địa phương đã phá vỡ quy hoạch phát triển vùng, ngành đã được Chính phủ phê duyệt như thép, xi măng… là các ví dụ điển hình. Một báo cáo của cơ quan chức năng về vấn đề này đã cảnh báo tình trạng nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý, không thẩm định và giám sát dự án đầu tư cũng như vốn đăng ký nên để xảy ra tình trạng vốn đăng ký thì nhiều, nhưng thực tế thực hiện chẳng bao nhiêu. Đơn cử như có tỉnh vốn đăng ký rất cao (8,031 tỷ USD) nhưng vốn thực hiện lại chỉ đạt… 2,1 triệu USD, chiếm 0,026% vốn đăng ký!


Thực tế cũng cho thấy, do không thẩm định, lựa chọn dự án cũng như nhà đầu tư nên việc chuyển vốn từ nước ngoài vào của nhiều dự án rất thấp, chủ yếu trông vào vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong nước để đầu tư, trong khi dự án lại sử dụng dây chuyền sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ xấu đối với nền kinh tế và sự phát triển bền vững.


Có thể nói, xu thế chạy theo thành tích trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của nhiều địa phương đã được cảnh báo, song chưa giảm được bao nhiêu. Chọn lọc, không thu hút đầu tư bằng mọi giá là chủ trương đã có của Chính phủ. “Trên đã bảo”, giờ là lúc cấp dưới cần thể hiện sự tuân thủ nghiêm túc của mình.

Theo Nguyễn Hà (Doanh Nhân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.