Dừng cấp phép dự án nhà ở thương mại sẽ khiến doanh nghiệp thua thiệt nhiều - Ảnh: Lê Quân
Phi thị trường
TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phản đối kiến nghị này khi đặt vấn đề trước đây thị trường bất động sản chủ yếu chỉ có loại nhà ở cao cấp. Hàng tồn kho hiện tại cũng đều là nhà cao cấp còn lại. Còn hiện nay, nhà nước đang rất chú trọng đến loại nhà ở xã hội nhưng loại nhà có giá dưới 1 tỉ đồng lại không nhiều. Vì thế, nếu không cho làm dự án mới thì lấy đâu loại nhà ở dành cho người thu nhập trung bình mua. "Đã gọi là thị trường thì không có chuyện cấm đoán. Mọi sự điều tiết đều phải tuân theo quy luật cung cầu. Nên dù có cấm thì bằng cách này hay cách khác thị trường vẫn sẽ tìm cách đáp ứng nguồn cầu”, ông Liêm nói.
Dẫn bài học chung cư mini, dù không ai cho phép nhưng một thời vẫn nở rộ và bán rất chạy do hợp túi tiền nhiều người thu nhập trung bình đang có nhu cầu nhà ở, ông Liêm đề xuất Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, các thủ tục đầu tư để phát triển những dự án nhà ở bình dân. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nào muốn chuyển từ dự án nhà cao cấp xuống nhà bình dân cũng phải nhanh chóng đẩy mạnh thủ tục để sớm triển khai.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, nhận xét dù có cấm cấp phép dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới cũng khó lòng tiêu thụ được lượng hàng tồn kho hiện nay. Vì tiêu thụ được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không riêng từ nguồn cung. Cho nên, không thể hy vọng bóp cung sẽ giải quyết được cầu. Đó là chưa kể, hàng tồn kho hiện nay chủ yếu tập trung ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM. Nếu cấm như vậy lỡ các địa phương khác lại có nhu cầu thì biết tính sao? “Thêm nữa, xét nhiều trường hợp đầu tư cụ thể, có những mảnh đất chỉ có thể đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mới đảm bảo được lợi nhuận để doanh nghiệp cảm thấy hấp dẫn bung tiền đầu tư, nếu cấm sẽ chẳng khác nào là hạn chế phát triển kinh tế”, ông Thành cho hay.
DN thiệt hại lớn
Ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Hải Phát - chủ đầu tư dự án The Pride tại Hà Nội, cho rằng nếu Chính phủ chấp thuận kiến nghị của Bộ Xây dựng thì khổ nhất có lẽ là những nhà đầu tư đã có mặt bằng sạch nhưng không được cấp phép. Vì để có mặt bằng, doanh nghiệp (DN) đã phải đổ ra rất nhiều tiền của, thiệt hại không hề nhỏ. “Thời điểm này, Bộ Xây dựng mới đưa ra kiến nghị như vậy là không cần thiết vì đến nay các chủ đầu tư rất thực tế chứ không phiêu lưu như trước. Trước khi triển khai, họ đã phải cân nhắc kỹ năng lực, thị trường, nhiều yếu tố khác… thẩm định mới dám làm”, ông Thái nói.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty CP địa ốc Đất Lành, nhận xét không ít DN đã hoạch định kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn cỡ 5-10 năm nên nếu Chính phủ đồng ý với Bộ Xây dựng không khác nào làm khó DN. Mọi dự định đều phải điều chỉnh hoặc gác lại, công ăn việc làm của người lao động, các DN đối tác cung ứng vật liệu… cũng bị ảnh hưởng dắt dây.
“Bộ Xây dựng kiến nghị như vậy là mâu thuẫn với chính mình khi đã cho rằng hàng tồn kho giảm, thị trường bất động sản dần ấm lên thì tại sao kiến nghị dừng cấp phép đầu tư dự án
mới ? Các DN hoàn toàn có thể nghi ngờ Bộ Xây dựng làm vậy để bảo vệ hàng tồn kho của các DN không bán được nên kiến nghị dừng cấp phép đầu tư dự án mới, gây mất tính cạnh tranh”, ông Đực đặt nghi vấn.