Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Ngọc Phong, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, không nên gắn biệt thự, khu đô thị với sân golf, khiến dư luận hiểu không đúng về việc phát triển sân golf.
Không nên gắn biệt thự, khu đô thị với sân golf
ông Hoàng Ngọc Phong, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Thưa ông, gần đây dư luận đã nhắc nhiều đến chuyện sân golf lấn sân bay ở TP.HCM. Với cương vị là một thành viên tham gia xây dựng quy hoạch sân golf của cả nước, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Đây là dự án nằm trong quy hoạch phát triển sân golf của cả nước theo Quyết định 1946/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Trước khi có quyết định này, Chính phủ cũng đã đồng ý để Bộ Quốc phòng và Bộ Xây dựng nghiên cứu và đề xuất xây dựng sân golf ở đây. Nghĩa là về quy hoạch, không có vấn đề gì. Còn về đất đai, đất này thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, do vậy họ sẽ chịu trách nhiệm quản lý và đầu tư xây dựng sân golf để đảm bảo vận hành theo một quy trình thống nhất, đảm bảo an toàn bay.


Nhưng khi phát hiện có những bất cập như báo chí đã nêu, đó là nhà đầu tư dự kiến xây dựng nhiều khu nhà cao tầng, biệt thự trong khu vực này, có thể ảnh hưởng tới an toàn bay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nên xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với sân golf này?


Chúng tôi chỉ thuần túy xây dựng quy hoạch về sân golf, nghĩa là chỉ bao gồm sân golf và các công trình phụ trợ. Tôi nghĩ, chúng ta phải có quan điểm rõ ràng về vấn đề này, đừng bắt sân golf khoác lên mình quá nhiều thứ, đừng gắn nó với biệt thự, với khu đô thị…, khiến dư luận xã hội hiểu không đúng về sân golf. Qua rà soát, thì tổng diện tích đất dành cho 90 sân golf trong quy hoạch chỉ trên 6.300 ha, trong đó chỉ bao gồm 2% đất lúa và hoàn toàn không có đất lúa hai vụ. Phần đất “phình” ra là do các dự án sân golf kết hợp kinh doanh bất động sản, khu du lịch…


Dự án sân golf ở Tân Sơn Nhất cũng thế. Tôi cho rằng, nếu chỉ thuần túy là những thảm cỏ xanh để đánh golf, đừng xây nhà cao tầng, biệt thự thì không thể nói là ảnh hưởng tới an toàn bay.


Vừa rồi, dư luận cũng đã nhắc tới chuyện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nhiều sân golf vào quy hoạch sân golf tới năm 2020 và cũng có những ý kiến không đồng tình. Quan điểm của ông thế nào?


Quy hoạch chỉ mang tính định lượng tương đối, có tính động nhất định, bởi vậy, nếu còn khiếm khuyết thì phải điều chỉnh, bổ sung. Một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, chuyên gia nước ngoài vào nhiều, nhu cầu sử dụng sân golf lớn thì cần thiết phải có sân golf. Chẳng hạn như Bắc Ninh, giờ các tập đoàn lớn vào nhiều, nhu cầu về sân golf là có thật, thế thì nên bổ sung cho họ.


Tuy nhiên, nguyên tắc của chúng tôi rất rõ ràng, đó là tuyệt đối không lấy đất lúa làm sân golf, nhất là đất lúa hai vụ; không được lấy đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; dự án phải đáp ứng các điều kiện về môi trường, sử dụng nước...


Bởi vậy, tôi có thể khẳng định, nếu phương án của chúng tôi được Chính phủ thông qua, thì thứ nhất, tất cả các sân golf bổ sung quy hoạch đều đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện hình thành sân golf theo Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ, được quy hoạch ở khu vực có tiềm năng phát triển du lịch cao;


Thứ hai, đất làm sân golf phải nằm trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;


Thứ ba, quy hoạch của chúng tôi chỉ nhìn nhận thuần túy dưới góc độ sân golf, chứ không gắn với bất động sản, đô thị mới…


Do vậy, tổng diện tích đất dành cho những sân golf mới này chỉ trên 3.800 ha.


Vậy cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung bao nhiêu sân golf?


Theo phương án vừa trình Chính phủ mới đây, thì sẽ bổ sung 28 sân golf. Trong số 90 sân golf hiện tại nằm trong quy hoạch, có 3 sân đã bị rút giấy phép, do vậy, nếu phương án của chúng tôi được phê duyệt, thì quy hoạch tới năm 2020, Việt Nam sẽ có 115 sân golf.


115 sân golf, liệu có nhiều không, thưa ông?


Số lượng các sân golf đưa vào quy hoạch đã được dự báo và tính đến khả năng phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Số lượng sân golf trên cũng tương ứng như các nước trong khu vực ASEAN hiện nay. Theo khảo sát của chúng tôi, Philippines có 100 sân, Malaysia có 230 sân, tới năm 2020 còn lên tới 300 sân, Thái Lan hiện có 256 sân, tới năm 2020 là 350 sân…

Theo Hà Nguyễn (Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.