10/08/2013 8:11 AM
Dù TP HCM chấp nhận khoanh nợ trong 5 năm nhưng trong nhiều trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận, người dân không đến nhận hoặc đòi trả lại do khoản tiền sử dụng đất quá nặng

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM vừa báo cáo UBND TP về tình hình thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất (GCN). Qua đó, tham mưu UBND TP về các vướng mắc, khó khăn cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

"Méo mặt" vì thời điểm đóng tiền

Từ nay đến cuối tháng 9-2013, TP HCM cần phải cấp 53.000 GCN để hoàn thành chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã giao. Đây là những trường hợp có đủ điều kiện pháp lý để cấp GCN. Nhưng một trong những vướng mắc lớn hiện nay liên quan đến tiền sử dụng đất. Gần đây nhất là vụ việc hàng trăm người dân tại quận 8 "dọa" trả lại GCN.
Hàng trăm hộ dân sống trong chung cư Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận
Bình Thạnh, TP HCM vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận
Theo báo cáo, hiện có một số trường hợp chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển nhượng nhà đất, căn hộ cho các hộ dân sử dụng nhiều năm nhưng chưa có quyết định giao đất - chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng đất nên chưa được cấp GCN.

Chỉ riêng Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh đã có 7 dự án với 2.000 căn hộ nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh chưa được cấp GCN. UBND TP đã chỉ đạo giải quyết theo hướng nếu người dân không có lỗi (đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, nhà đã xây dựng phù hợp quy hoạch…), phải tiến hành cấp GCN cho các hộ dân; về phía chủ đầu tư phải hoàn tất pháp lý và phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, Sở TN-MT đề xuất TP kiến nghị Thủ tướng cho phép tính và thu tiền sử dụng đất của chủ đầu tư theo giá đất và chính sách quy định tại thời điểm chủ đầu tư chuyển nhượng cho các hộ dân. Liên quan đến nội dung này, trước đó, Bộ TN-MT và Bộ Tài chính đã có những quan điểm trái chiều. Bộ TN-MT kiến nghị cho phép chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm chuyển nhượng, trong khi Bộ Tài chính cho rằng điều này sẽ hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Sở TN-MT, hầu hết chủ đầu tư trong trường hợp này là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc UBND quận - huyện. Vào thời điểm đó, UBND quận - huyện cho phép thực hiện dự án nhưng lại không lập thủ tục ở cấp TP để được UBND TP giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, để xảy ra tình trạng này có một phần lỗi của các cơ quan nhà nước. Trên thực tế, nếu chiếu theo quy định hiện hành, chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, khoản tiền phải đóng quá lớn, điều này không khả thi.

Kiến nghị được cộng dồn diện tích

Trên địa bàn TP HCM còn nhiều trường hợp cơ quan nhà nước cấp đất cho cán bộ, nhất là cán bộ chiến sĩ được Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu cho phép chia cấp đất làm nhà ở. Những trường hợp này phản ứng rất gay gắt với quy định nộp tiền sử dụng đất hiện tại.

Cụ thể, khoản 4, điều 2 Nghị định 120/2010/NĐ-CP quy định trường hợp tổ chức cấp đất trái thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở trước ngày 15-10- 1993, phải nộp tiền sử dụng đất bằng 40% giá đất do UBND cấp tỉnh quy định với đất trong hạn mức, nộp 100% theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế thị trường với diện tích vượt hạn mức. Theo Sở TN-MT, các trường hợp đã được cấp GCN trước ngày 15-10-1993 không đóng tiền sử dụng đất trong hạn mức và chỉ đóng 50% cho diện tích vượt hạn mức. Điều này sẽ gây mất công bằng với các hộ dân thuộc cùng trường hợp. Hơn nữa, quy định này trái với quy định tại điều 50 Luật Đất đai và không thống nhất điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP.

Một văn bản hướng dẫn gây nhiều tranh cãi khác là Thông tư 93-2011 của Bộ Tài chính. Trong đó, quy định việc xác định diện tích trong hạn mức để tính tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở chỉ được tính cho một thửa đất. Trường hợp hộ gia đình cá nhân có nhiều thửa đất, người sử dụng đất được lựa chọn một thửa đất để xác định diện tích trong hạn mức. Sở TN-MT cho biết có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân có 2 căn nhà đều tạo lập trước ngày 15-10-1993 hoặc 1 căn nhà tạo lập trước ngày 15-10-1993 và 1 căn nhà nhận chuyển nhượng hợp pháp từ người khác. Tổng diện tích 2 căn nhà không vượt quá hạn mức đất ở. Nếu áp dụng quy định trên, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất 1 căn nhà. Trường hợp này trái với khoản 4, điều 50 Luật Đất đai và quy định tại khoản 1, điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Do đó, Sở TN-MT kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định theo hướng thống nhất với quy định của Luật Đất đai và Nghị định 84.

Bất cập này trước đó cũng được Sở Tài chính kiến nghị UBND TP đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi theo hướng: mỗi gia đình, cá nhân khi xác định nghĩa vụ tài chính thì được cộng dồn các thửa để tính tiền sử dụng đất trong và ngoài hạn mức.

Hàng chục ngàn GCN không người nhận

Tại cuộc họp giữa các bộ, ngành, địa phương do Bộ TN-MT tổ chức trong tháng 7 vừa qua, nhiều tỉnh - thành cho biết cũng gặp khó khăn về tiền sử dụng đất. Tại các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của tỉnh Đồng Nai còn tồn đọng đến 36.000 GCN. Nguyên nhân chủ yếu là tiền sử dụng đất quá cao, người dân không có khả năng đóng nên dù hàng ngàn GCN đã ký ban hành, vẫn không ai đến nhận.

Thu Sương (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.