Việc dự án khách sạn tại 22-23 Lê Thái Tổ, Hà Nội chuẩn bị khởi công vào 9-2016 tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt khi công trình này chạm đến không gian Di sản Quốc gia đặc biệt hồ Gươm.
Hồ Gươm hiện nay nhìn từ trên cao. Ảnh zing.vn
Vì thế, ngày 18-7, PGS.TS. Nguyễn Chí Bền (thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia) đã lên tiếng: Về nguyên tắc, mọi công trình xây dựng bên hồ Hoàn Kiếm phải không được ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ, đảm bảo đừng biến hồ Gươm thành cái ao.
Càng nhiều nhà cao tầng xung quanh, sẽ càng “nuốt” không gian của hồ, khiến hồ trở nên nhỏ bé hơn, nhất là tạo cảm giác cái tháp giữa hồ chỉ còn bé tí teo. Không gian văn hóa xung quanh hồ Hoàn Kiếm hiện rất đẹp mà cha ông ta và cả người Pháp đã gìn giữ được. Từ trên không nhìn xuống thấy ngay cái hồ đẹp, xung quanh có vườn cây và cả tháp Rùa, mà không bị những cái nhà cao tầng “nuốt” mất.
Hồ Gươm là không gian văn hóa thiêng liêng, từng chứng kiến truyền thuyết Lê Lợi trao lại gươm thần cho rùa vàng, một không gian vừa đẹp, vừa thiêng liêng lại mang tính lịch sử… Vì thế, theo tôi, xây dựng một khách sạn quá nhiều tầng ở nơi đây là không nên. Nếu xây dựng thì là kiến trúc mang dáng dấp của đô thị xưa, chứ không nên xây dựng biệt thự cao tầng, hiện đại.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết (thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia) cũng cho biết quan điểm: Hồ Gươm là Di tích Quốc gia đặc biệt nên được bảo vệ theo qui định của Luật Di sản văn hóa. Ở vùng lõi của di sản thì mọi sửa chữa, cải tạo đều phải được cơ quan chức năng thẩm tra. Ở khu vực bảo vệ 2 của Di sản được phép xây dựng nhưng xây dựng như thế nào, cũng phải có ý kiến thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo không phá vỡ cảnh quan của Di sản.
Nếu TP Hà Nội đã duyệt độ cao mà đúng luật, thì có thể chấp nhận, nhưng kiến trúc thế nào phải đặc biệt quan tâm. Ý kiến của các kiến trúc sư (KTS) cho thấy cần phải cân nhắc về thiết kế dự án này cho phù hợp với xung quanh, khi các tòa nhà hiện nay là giãn cách, không phải là một khối liền.
Nếu khu vực này là chỗ bán hàng, siêu thị thì dễ thu xếp, còn là khách sạn, sẽ có lượng người, xe vào ra đông, có tầng hầm, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Những vấn đề này đều phải tính đến, để không làm ảnh hưởng đến Di sản đặc biệt này.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, mới đây, UBND TP đã xin ý kiến ông và một số thành viên của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia về việc sẽ xây dựng lối lên xuống của ga tàu điện ngầm ở sát bờ hồ Gươm, nhưng không ai đồng ý vì cho rằng, nếu diễn ra cảnh đông người lộn xộn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh hồ Gươm.
Ý kiến của KTS. Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng rất đáng quan tâm: Hồ Gươm là không gian đặc biệt, hội tụ nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử, do đó việc xây dựng các công trình xung quanh cần xem xét kỹ càng về khối tích, hình thức để giảm thiểu ảnh hưởng đến thiên nhiên của hồ. Toàn bộ bề mặt Di sản là phố Lê Thái Tổ phải được giữ gìn.
Người Pháp xây dãy nhà ở Lý Thái Tổ giữ tỉ lệ cân đối, xinh xắn với mặt hồ. Bản chất của hồ Gươm là nhà phải thấp thoáng trong cây mới cảm nhận được sự mênh mông, thi vị của hồ, còn nhà đã cao hẳn lên, mất đi tỉ lệ khối tích cân đối là hỏng. Việc xây nhà cao xung quanh khiến hồ chật lại, do đó, không nên khuyến khích các công trình kiến trúc có tỉ lệ khối tích qui mô lớn quanh hồ Gươm, để giảm thiểu tác động đến không gian quí báu của hồ.
KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, không khư khư giữ cái cũ nhưng giải pháp xây, cải tạo phải khoa học. Nếu công trình cũ xuống cấp, cố gắng có các giải pháp về công nghệ để bảo tồn mà vẫn làm mới; cũng nên trưng cầu một số phương án để những người có tâm và có tầm tham gia, thay vì “bày biện” chỉ mời những người đồng ý với phương án đưa ra.
Cần có qui chế quản lý hồ Gươm và phải duy trì chặt chẽ tỉ lệ công trình nhỏ để gìn giữ cảnh quan thiên nhiên. Cũng cần giữ không gian kiến trúc thân quen, thay vì đưa kiến trúc lạ hoắc, tỉ lệ khối tích lớn, vướng trở vào nơi này. “Không gian trống quanh Hồ Gươm quá ít ỏi mà nhiều người ta cứ nhăm nhe chen vào. Vấn đề hiện nay là qui chế quản lý hồ Gươm có vấn đề.
Vì thế, độ lớn, hình thức công trình là điều người dân quan tâm vì cảm thấy nhức nhối trước di sản.” - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lo ngại.
KTS. Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam), cho biết, đã có những phản hồi từ phía nhà đầu tư sau các ý kiến phân tích của giới chuyên môn. Họ thấy có thể khai thác để thay đổi được từ các ý kiến trao đổi của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, vì phương án nêu ra mới là sơ bộ, chứ chưa phải cuối cùng.
Về kiến trúc, nhà đầu tư cũng nhận thấy thiết kế hiện tại chưa khai thác được giá trị của kiến trúc cũ, nên sẽ tiếp thu để bảo tồn, chỉnh trang lại, tiếp nối chứ không phá bỏ. Họ cũng nhận thấy những giá trị khác mà nếu biết khai thác sẽ làm tăng giá trị văn hóa cho công trình mới, thay vì làm mới hoàn toàn, đồng thời bảo đảm các qui định về kiến trúc bên hồ Gươm.
Theo KTS. Nguyễn Văn Thông, những công trình xây dựng quanh Hồ Gươm thời Pháp rất có giá trị, đã được khẳng định qua thời gian, thể hiện ở các kiến trúc có đặc trưng riêng, góp phần vào không gian Hồ Gươm, tạo nên sự hài hòa nhất định dù có phong cách khác nhau. Khối kiến trúc không quá lớn so với không gian Hồ Gươm, lại đa dạng, tạo nên sự phong phú và giá trị riêng của kiến trúc Pháp.
Khu vực này có 3 tòa nhà bằng nhau về mặt khối tích, cùng một mặt phẳng, mỗi nhà có một phong cách riêng về chi tiết, bằng nhau về chiều cao, nếu không nhận hết giá trị của nó thì sẽ đồng nhất mà đánh mất vẻ đẹp cần phải khai thác. Về kiến trúc đô thị, có vài ba cái đứng cạnh nhau có giá trị, thì cả tuyến phố đó có giá trị.
KTS. Nguyễn Văn Thông cũng cho rằng, kiến trúc đô thị là sống, luôn thay đổi, do đó, không nên giữ khư khư. Việc xây dựng khách sạn cao cấp ở đây là phù hợp, nhưng phải giữ hình thức kiến trúc hài hòa, khối tích phù hợp.
Thanh Hằng (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.