19/04/2013 8:41 AM
Qua kiểm tra việc sử dụng đất của 653 tổ chức được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát hiện hơn 1.000 dự án sử dụng đất sai mục đích, không hiệu quả, chuyển nhượng trái pháp luật... Ðây là thực trạng rất đáng lo ngại. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến với Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội NGUYỄN HỮU NGHĨA về vấn đề này.

Chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở để bán sang cho thuê là một trong những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Trung Kiên

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả cụ thể việc xử lý, khắc phục những dự án "treo" cũng như những dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Ðất đai trong thời gian gần đây?

Ðồng chí NGUYỄN HỮU NGHĨA: Từ năm 2009 đến quý I-2013, các đoàn kiểm tra của các Sở và UBND các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra việc sử dụng đất của 653 tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, phát hiện 39 dự án với tổng diện tích 425,2 ha thực hiện chậm 24 tháng so với tiến độ được phê duyệt; 514 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Ðất đai, trong đó có 482 dự án sử dụng đất sai mục đích. Cho đến nay, trong số 39 dự án chậm triển khai, Sở đã lập hồ sơ thu hồi đất năm dự án, bốn dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, 30 dự án còn lại phần lớn là dự án thuộc diện phải điều chỉnh, đã tích cực triển khai, được thành phố gia hạn thực hiện. Về nhóm các dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Ðất đai, có 302 dự án đã được chủ đầu tư triển khai, đưa đất vào sử dụng hiệu quả; 122 tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng; Sở đã lập hồ sơ và trình UBND thành phố ban hành 43 quyết định thu hồi đất của 41 tổ chức, với tổng diện tích 832,65 ha. Ðến nay, đã thực hiện 17 quyết định, thu hồi 818 ha. Một số khu đất sau khi thu hồi được UBND thành phố giao cho UBND các quận, huyện xây dựng trường học, công trình công cộng...

Phóng viên: Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nêu trên, thưa đồng chí?

Ðồng chí NGUYỄN HỮU NGHĨA: Nguyên nhân là do các tổ chức không đủ năng lực thực hiện dự án, hoặc có thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh, nhưng không kịp thời bố trí được vốn để triển khai. Một số tổ chức sử dụng đất là đối tượng điều chỉnh của chính sách kinh tế vĩ mô về tín dụng, nhiều tổ chức khó khăn về vốn. Quy hoạch phân khu chậm được lập và triển khai, dẫn đến các dự án không thể thực hiện được. Ngoài ra, do quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không rõ ràng, thiếu cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý vi phạm; khung xử phạt các lỗi vi phạm về đất đai còn thấp, không có tác dụng răn đe. Việc quy định thời hiệu xử phạt hành chính theo Nghị định còn nhiều bất cập, không rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định thời điểm vi phạm để xử phạt... Chưa kể, những năm trước, khi diễn ra "cơn sốt" bất động sản, không ít chủ đầu tư tìm mọi cách xin đất làm dự án để kinh doanh bất động sản, hoặc xin đất để chuyển nhượng trục lợi. Nhưng đến nay, thị trường bất động sản đóng băng, các tổ chức này không huy động được vốn, khiến dự án nằm "đắp chiếu".

Phóng viên: Vậy, giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này?

Ðồng chí NGUYỄN HỮU NGHĨA: Ðể ngăn chặn tình trạng này, sau khi phê duyệt dự án, giao đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, các sở, ngành, quận, huyện cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ các chủ sử dụng đất thực hiện theo quy định. Trong thanh tra, kết luận, xử lý phải phân tích được nguyên nhân, tập trung tháo gỡ những khó khăn với doanh nghiệp, chủ sử dụng đất. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc lập quy hoạch phân khu làm cơ sở pháp lý triển khai các dự án. Những nơi đang chờ quy hoạch hoặc có chủ trương giãn, hoãn một số dự án, các quận, huyện, thị xã cũng phải nắm rõ và thông tin kịp thời đến các đơn vị sử dụng đất...

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.

Hải Phong (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.