13/11/2012 7:34 AM
Nếu không thể khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn thì phải dừng hẳn hoạt động và truy xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Thế Dũng

Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước QH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tỏ ra lúng túng trước những câu hỏi sắc sảo của các ĐB.

Giải pháp chưa đúng tầm

Nhiều ĐB tập trung yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết giải pháp phá “băng” thị trường bất động sản (BĐS). Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời chung chung là tồn kho BĐS hiện nay rất lớn, chưa được thống kê đầy đủ. Nguyên nhân tồn kho lớn là do quá trình phát triển các dự án đô thị tự phát theo phong trào, thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch dẫn đến tình trạng cơ cấu sản phẩm bất hợp lý vừa thiếu vừa thừa.
Thừa dự án nhà ở cao cấp và trung bình trong khi thiếu nhà ở phục vụ người thu nhập thấp. Về giải pháp tháo gỡ, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ giải pháp trước mắt là thực hiện chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư và miễn thuế GTGT cho người mua nhà ở lần đầu.
ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) sốt ruột: “Tôi rất băn khoăn về tính khả thi của giải pháp cứu BĐS. Nếu hạ giá 5-7 triệu đồng/m2 thì tiền chênh lệch ai chịu, thị trường vẫn trầm lắng bán ai mua. Quy mô của “cục máu đông” này đến nay vẫn chưa rõ, Bộ Xây dựng vẫn đang rà soát là quá chậm. Xin Bộ trưởng nói rõ là trong 1-2 năm tới có xử lý xong không?”.
Bộ trưởng Dũng phân bua vì không có thời gian nên không nêu số liệu chi tiết, sau đó mới báo cáo số liệu Bộ Xây dựng tập hợp tại 44 tỉnh - thành trong cả nước đến ngày 30-8 là đang tồn 16.469 căn hộ chung cư, 5.176 căn hộ thấp tầng, hơn 1,624 triệu m2 đất nền, hơn 25.870 m2 văn phòng, trung tâm thương mại… với tổng giá trị hàng tồn kho nói trên là 40.750 tỉ đồng.
“Vấn đề này liên quan đến nhiều ngành trong khi thị trường BĐS của Việt Nam còn non trẻ, cả năng lực quản lý và năng lực của DN còn rất hạn chế nên không thể khẳng định tháo gỡ khó khăn một cách tuyệt đối mà phải tháo gỡ từng bước” - Bộ trưởng Dũng nói.

Không đồng tình, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cảnh báo: “Giải pháp xử lý thị trường BĐS chưa được đặt đúng tầm. Kinh nghiệm thế giới cho thấy 30 năm nay, các cuộc khủng hoảng đều xuất phát từ BĐS. BĐS và thị trường tài chính quan hệ cực kỳ mật thiết như 2 bánh xe máy. Nếu một bánh xì hơi thì bánh kia không chạy được”. ĐB Trần Du Lịch đề nghị bộ trưởng Bộ Xây dựng suy nghĩ tiếp để trả lời trong phiên thảo luận hôm nay (13-11), đặc biệt là xác định ai là nhạc trưởng - Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước - trong nhiệm vụ phá “băng” thị trường quan trọng nhất này.

Nếu nguy hiểm, phải đóng cửa Sông Tranh 2

Những băn khoăn về chất lượng công trình không phải là vấn đề mới trên diễn đàn QH nhưng tiếp tục được hâm nóng khi hàng loạt ĐB “xoay” Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sự cố đổ tháp truyền hình ở Nam Định và ròrỉ đập thủy điện Sông Tranh 2. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận chất lượng nhiều công trình xây dựng có vấn đề là do lỗ hổng trong cơ chế, giao quá nhiều thẩm quyền cho chủđầu tư và cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm.
Càng ở cấp thấp, năng lực chủđầu tư càng yếu, khoán chất lượng công trình cho tư vấn giám sát, cho nhà thầu. Bộ trưởng Dũng cho biết đang trình Chính phủdự thảo nghị định mới theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước phải thực hiện tiền kiểm, tham gia thẩm định dự án chứ không giao hết cho chủđầu tư. “Tuy đây không phải giải pháp đột phá nhưng cũng có những điểm mới” - Bộ trưởng Dũng nói.
Bức xúc với chất lượng đập thủy điện Sông Tranh 2, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố rõ về tình trạng của đập thủy điện này để người dân hết thấp thỏm, lo lắng. “Kỳ họp trước, bộ trưởng khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn nhưng tại sao Chính phủlại không cho tích nước? Các nhà khoa học cũng chưa khẳng định được tính an toàn của đập”.
ĐB Ngô Văn Minh đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải công bố một trong 3 kịch bản. Thứ nhất, công bố rõ đập an toàn, cử cán bộ tới ở chung vài tháng để dân yên tâm sinh sống; có phụ cấp như phụ cấp độc hại và mua bảo hiểm tính mạng cho người dân. Thứ hai, công bố là đập không an toàn và tổ chức tái định cư.
Còn trường hợp chưa đủ dữ liệu để khẳng định đập an toàn thìdù công trình đã đầu tư 5.100 tỉ đồng cũng dừng hẳn hoạt động và truy xét trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan. Hết giờ làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng còn nợ câu trả lời về phá “băng” BĐS, an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 và sẽ tiếp tục trả lời trong đầu giờ phiên chất vấn hôm nay (13-11).

Né câu hỏi khó

Một số ĐB cho rằng sai phạm tài chính ở Tập đoàn Sông Đà cũng là một dạng “Vinashin” và yêu cầu cho biết quá trình thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ cũng như trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết số tiền sai phạm 10.676 tỉ đồng ở Tập đoàn Sông Đà không phải thất thoát mà chỉ là đầu tư chưa đúng quy trình nên số tiền này không bị mất đi.

“Chia lửa” với Bộ Xây dựng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trong tháng 9 và tháng 10-2012 đã thành lập tổ kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra và ghi nhận Tập đoàn Sông Đà đã có phương án khắc phục, xử lý tài chính 5.000 tỉ đồng, khoảng 5.000 tỉ đồng nữa đang chờ ý kiến các bộ cho chủ trương. Nhưng đến nay, vấn đề kiểm điểm, quy trách nhiệm cá nhân, tập thể vẫn chưa được Tập đoàn Sông Đà thực hiện.

Từ vụ Sông Đà, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) truy: “Ngành xây dựng có bao nhiêu DN như Tập đoàn Sông Đà?”. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định đây là câu hỏi khó rồi né: “Bộ Xây dựng đã có số liệu về những DN này nhưng để ở nhà, mời ĐB hôm sau sang bộ để được báo cáo”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu “Bộ trưởng Dũng về chuẩn bị để mai giải trình vấn đề này”

Theo Tô Hà (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.