Theo báo cáo của đoàn giám sát trình bày trước Thường vụ sáng nay (18/4), việc quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại điều 70 luật Đất đai, gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Quy định về c ông tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, khó khăn, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước (đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai) khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế và quyền của người dân có đất bị thu hồi.
Việc quy định thời hạn sử dụng đất (điều 67, 68, 69 luật Đất đai) đến nay đã gần hết thời hạn giao đất nhưng chưa có chủ trương cụ thể nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng chỉ ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai có xu hướng tăng lên ở nông thôn.
Để khắc phục những vướng mắc này, đoàn giám sát đề nghị QH rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai. Cùng với đó là hoàn thiện các chính sách về ngân sách nhà nước, đấu thầu, đầu tư, xây dựng, hợp tác xã, lao động, hoạt động giám sát, dạy nghề, nhà ở, doanh nghiệp.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Quốc hội xem xét, sớm x ây dựng, ban hành một loạt các luật như: luật đầu tư công, mua sắm công, luật quy hoạch, thủy lợi, nông nghiệp, luật bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, luật bảo hiểm nông nghiệp...
Một nửa vốn đầu tư cho tam nông
Đoàn giám sát cũng ghi nhận
việc huy động vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông
thôn đã từng bước được cải thiện.
Sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này trong 3 năm (2009- 2011) là 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết (giai đoạn 2006-2008).
Các nguồn vốn ODA ưu đãi khác dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp và thủy sản lên tới gần 4 tỷ USD. Dư nợ cho vay theo cơ chế thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 24%/năm.
Tuy vậy, qua giám sát cũng cho thấy nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu so với yêu cầu, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.
Công tác lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế, chưa sát với thực tế; vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư.
Bên cạnh đó, dù công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn ở mức cao; cơ sở hạ tầng mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng nhiều khu vực vẫn còn khó khăn.
Đoàn giám sát đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch; phân bổ nguồn vốn đầu tư công hợp lý; rà soát, nâng mức hỗ trợ kinh phí, có kế hoạch bố trí nguồn lực để triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác; đối mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư công...