10 năm kể từ khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 150/2004 về quy định quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP, người dân sống trong khu vực này gần như bị treo mọi quyền lợi liên quan đến việc sử dụng nhà, đất.
Xây không được, sửa cũng không xong
Dọc kênh Cây Khô thuộc ấp 1, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, hàng trăm hộ dân có nhà trong hành lang 30 m bảo vệ con kênh này không thể làm gì với nhà, đất của mình. Theo UBND xã Phước Lộc, đa số người dân đều sinh sống ở đây từ lâu đời, họ có đất rộng nên nhu cầu chuyển mục đích sử dụng, tách thửa để xây dựng nhà cho con cái rất cao.
Ông Võ Văn Ngoan, số 80 xã Phước Lộc, có 560 m2 đất thì tới gần 500 m2 đất nằm trong hành lang bảo vệ kênh Cây Khô. Căn nhà ông đang ở mỗi khi mưa xuống nước lại tràn vào nhà. Thế nhưng ông Ngoan không dám nâng nền do quy định chỉ được sửa chữa theo nguyên trạng. “Các con tôi đã lớn, nhà muốn sửa không được, muốn xây cũng không xong. Tôi không có tiền mua đất khác trong khi đất nhà mình rộng mênh mông bị bỏ trống” - ông Ngoan bức xúc.
Người dân ấp 1, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè phản ánh với PV những bức xúc vì quyền lợi nhà, đất bị treo .Ảnh: CTV
Gần đó, gia đình bà Lâm Thị Nga ba thế hệ phải chung sống trong căn nhà cũ, không thể sửa sang, cơi nới do 600 m2 đất của bà toàn bộ nằm trong hành lang bảo vệ kênh. Khốn khổ hơn, có gia đình phía sau nhà dính quy hoạch khu dân cư tập trung, phía trước là hành lang bảo vệ kênh nên không thể “nhúc nhích”.
Đáng nói là khu vực này nằm trong quy hoạch nông thôn mới, địa phương đang vận động người dân hiến đất để mở rộng đường hiện hữu dọc kênh Cây Khô từ 3 m lên 6 m. Sau ba đợt mở rộng đường, người dân đều tự nguyện hiến đất cho Nhà nước, có gia đình đã hiến tới 1.000 m2.
Tại quận Bình Thạnh, gia đình ông Võ Văn Xanh ở số 558/59 Bình Quới có bốn người con đã lập gia đình đều phải đi thuê nhà ở vì căn nhà cũ nằm trong hành lang 50 m bảo vệ sông, không thể cải tạo. Do đó, có hơn
1.000 m2 đất, ông Xanh cũng không thể chuyển mục đích sử dụng, tách thửa hay xin cấp giấy chứng nhận để xin phép xây dựng nhà cho con.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở các quận khác như quận 4, Thủ Đức, Bình Chánh… tình trạng vướng như trên xảy ra cho hầu hết các hộ dân nằm trong tuyến hành lang bảo vệ sông, rạch.
Kiến nghị cho phép xây dựng tạm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết riêng xã Phước Lộc có hơn 750 hộ dân đang bị treo quyền lợi nhà đất do vướng hành lang sông. “Việc sửa chữa từ nhà lá thành nhà tường kiên cố hơn, không cơi nới, Sở GTVT cũng cho là xây mới. Khu vực này hay ngập nước nhưng nếu cho dân nâng nền sẽ bị xem là tăng chiều cao buộc phải tháo dỡ” - ông Trường nói. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân, huyện Nhà Bè vẫn cho phép sửa chữa, nâng nền trong phạm vi nhất định.
Huyện Nhà Bè kiến nghị TP nghiên cứu, điều chỉnh Quyết định 150 theo hướng cho phép người dân được cải tạo, nâng cấp nhà cửa và xây dựng tạm. Tuy nhiên, tùy đặc điểm của từng khu vực để quy định kiến trúc và chiều cao tối đa được phép xây dựng tạm.
Tại quận Bình Thạnh, theo thống kê chưa đầy đủ, quận này có khoảng 2.600 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hành lang an toàn sông, kênh, rạch. Trong buổi làm việc với tổ công tác của TP (ngày 28-11), ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết các căn nhà trong khu vực này đang bị xuống cấp nặng. Ông Hà kiến nghị trong thời gian dự án cải tạo sông, kênh, rạch chưa triển khai, TP cho phép người dân được xây dựng tạm, quy mô tối đa hai tầng với trường hợp đã có nhà. Cụ thể, cho phép xây dựng tạm trong hành lang bảo vệ tính từ mép bờ cao: Từ 5 m đến dưới 10 m (với hành lang bảo vệ 10 m); từ 10 m đến dưới 20 m (hành lang 20 m); từ 20 m đến dưới 30 m (hành lang 30 m)… Các trường hợp còn lại chỉ được sửa chữa, không xây dựng mới, không cho xây mới trên nền đất trống.
Hiện quyền lợi của người dân sống trong khu vực đang bị hạn chế như trong các dự án đã có quyết định thu hồi đất. Cho sửa theo nguyên trạng thì không phù hợp với những căn nhà xập xệ đã xây dựng từ rất lâu. Khi người dân cố làm, địa phương xử lý lại không dám tháo dỡ vì không thể buộc dân đập căn nhà tường để phục hồi lại nhà tôn, nhà lá như trước. Ông ĐOÀN NHẬT, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh |