07/09/2016 1:41 PM
Dù lãnh đạo Trung tâm chống ngập nhiều lần khẳng định dự án nâng đường chống ngập, đã lấy ý kiến người dân ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Nhựt, phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, lúc lấy ý kiến người dân, công trình đang thi công đoạn đầu và cuối tuyến, cao độ mặt đường, vỉa hè đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn đoạn giữa (từ đường Tên Lửa đến đường Hồ Học Lãm) chưa làm.

Đường vẫn ngập nặng sau mưa.

"Người dân không có nhiều chọn lựa vì đường làm rồi. Chủ đầu tư đưa ra 4 phương án, người dân bắt buộc phải chọn nên rất bức xúc”, ông Nhựt cho biết.

Ngày 6/9, làm việc với các sở ban ngành chức năng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã chấp thuận đề xuất của trung tâm chống ngập phương án giữ nguyên cao độ mặt đường, vỉa hè hai đoạn đang thi công dở dang, giảm cao độ tim đường Kinh Dương Vương chưa làm xuống 35 cm so với thiết kế ban đầu và bổ sung thêm trạm bơm chống ngập cho đường Kinh Dương Vương và 44 tuyến hẻm trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm chống ngập đoạn tuyến từ Mũi Tàu đến đường Tên Lửa đang thi công mặt đường. Đoạn từ đường Hồ Học Lãm đến QL 1A đã trải đá dăm nên giảm cao độ mặt đường (cào bóc lên làm lại) là không thể. Riêng đoạn từ đường Hồ Học Lãm đến đường Tên Lửa nếu giảm 35 cm thì cao độ tim đường chỉ còn 1,46 m, sẽ bị ngập khi đỉnh triều đạt 1,50 m. Vì vậy, trong thời gian chờ hoàn thành dự án kiểm soát triều, TPHCM cần làm thêm trạm bơm giảm ngập cho đường Kinh Dương Vương và 44 tuyến hẻm khi xảy ra mưa kết hợp triều cường.

Ông Dũng cho biết đường cống thoát nước đường Kinh Dương Vương đã được lắp van ngăn triều, khi triều cường lên, van sẽ tự động đóng lại ngăn nước sông tràn lên mặt đường. Khi đó toàn bộ nước thải sẽ giữ lại trong cống, chờ đến lúc triều cường xuống, van mở ra sẽ thải ra kênh rạch. Với cơ chế hoạt động nói trên, nếu mưa lớn xuất hiện đồng thời với triều cường cả khu vực sẽ bị ngập nặng. Để giải quyết bài toán này, TPHCM cần lắp thêm trạm bơm cố định công suất 42.000 m3/giờ với tổng kinh phí khái tính khoảng 86 tỷ đồng để bơm hút nước mưa ra rạch Bà Tiếng.

Theo một số chuyên gia, phương án nâng đường là không hiệu quả, gây ngập nặng nhiều khu vực khác. Đơn cử như kể từ lúc nâng đường Kinh Dương Vương, toàn bộ khu dân cư An Lạc Bình Trị Đông và đường Tên Lửa trước nay đang khô ráo trở thành sông do nước từ đường Kinh Dương Vương dồn vào nơi thấp trũng. Đáng lưu ý, đường Kinh Dương Vương đã nâng nhiều lần và đặt thêm cống dưới lòng đường nhưng vẫn bị ngập mỗi khi có mưa, triều cường vì nước trong cống bị nghẽn rác, không thoát được.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng tuyến đường Kinh Dương Vương đã hai lần thi công trước đó, nhưng không nắm được số liệu ngập và cao độ bao nhiêu thì hợp lý nên vẫn cứ ngập nặng. Cống nước trên tuyến đường này đi không tới nơi, một số cống hố thu nước cao hơn mặt đường nên nước không thoát được.

“Việc nâng đường hiện nay không phải là giải pháp tốt nhất. Khi nâng đường lên hơn 1 m, nhà người dân hai bên đường cũng nâng theo. Đường Kinh Dương Vương nâng lên quá cao thì tất yếu những tuyến đường khác như Tên Lửa, An Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm thấp xuống sẽ tiếp tục bị ngập đồng loạt. Cơ quan chức năng nên tìm ra nguyên nhân thông qua khảo sát cụ thể, cao bao nhiêu là đủ, tại sao đường Kinh Dương Vương đã thi công chống ngập hai lần nhưng vẫn còn ngập”.
Huy Thịnh (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.