15/07/2011 1:38 AM
Sau nhiều năm TP. Hà Nội có chủ trương di dân phố cổ, đến nay đề án đó vẫn chỉ nằm trên giấy, các chuyên gia nhận định mức độ khả thi của đề án là không cao.

Nhà chật vẫn thích ở phố cổ


Mật độ dân số quá lớn là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự quá tải và xuống cấp trầm trọng về môi trường sống đô thị của khu phố cổ. Dự án giãn dân phố cổ là một dự án có tính chất đặc thù, chưa có tiền lệ. Mặc dù TP đã có chủ trương từ khá lâu nhưng do nhiều nguyên nhân, dự án này hiện mới đang ở giai đoạn chờ được phê duyệt Đề án. UBND Quận Hoàn Kiếm đã lấy ý kiến người dân, trong số 953 hộ dân được hỏi, chỉ có 255 hộ dân đồng ý di chuyển theo Đề án.


Chị Trần Thu Hồng, một trong nhiều hộ dân sống tại số nhà 83 Hàng Bông cho biết, kế hoạch di dân đã được nghe qua báo chí, nhưng gia đình không di chuyển theo Đề án. Lý do chị Hồng đưa ra là dù sẽ nhận được hỗ trợ của TP nhưng gia đình chị không đủ tiền để mua một căn hộ chung cư ở khu tái định cư. Hai vợ chồng, hai đứa con sống trong diện tích 4m2 được chồng tầng trên nóc bếp chung của cả số nhà nhưng khi được hỏi về Đề án di dời dân khỏi phố cổ, chị Hồng không thấy mặn mà.


Khó di dời hàng nghìn hộ dân khỏi phố cổ

Nhiều hộ dân không muốn di dời khỏi phố cổ Hà Nội


Còn vô số những hộ dân trong ngõ nhỏ của các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Bạc... cũng đang phải chịu điều kiện sống hết sức khó khăn như việc chung bếp, chung nhà vệ sinh. Một người dân nơi đây kể: "Có khi buồn đi vệ sinh quá, phải đi ra túi bóng. Nếu không quá gấp thì chạy dọc ngõ, sang đến nhà vệ sinh chung ở phố bên cạnh và mở 3 lần khóa để đi vệ sinh". Chật chội, khó khăn và kham khổ là thế, nhưng người dân phố cổ vẫn chấp nhận và tỏ ra không mấy mặn mà với kế hoạch di dân của TP.


Nguyên nhân chủ yếu vẫn là vấn đề kinh tế. Doanh thu của một người bán nước chè ở góc phố có thể kiếm cả trăm nghìn mỗi ngày một cách dễ dàng. Dân phố cổ lại sành ăn, sành uống, việc mở các dịch vụ này đối với họ là rất thuận tiện và thu lại lợi nhuận không nhỏ. Khi di dời đến một nơi ở mới, mặc dù chỉ cách nơi cũ một cây cầu, nhưng sang nơi mới, chắc chắn người dân phố cổ sẽ không kinh doanh, buôn bán được dễ dàng như khi ở trung tâm.


Thêm một lý do nữa đó là vấn đề thương hiệu nhà phố cổ. Người dân cho rằng, nhà ở có thể chật nhưng thương hiệu phố cổ có thể giúp họ thuận lợi hơn trong rất nhiều việc. Dân cư của quận Hoàn Kiến, Ba Đình muốn xin cho con vào học ở các trường có tiếng cũng dễ dàng hơn. Một gia đình chỉ có 12m2, làm thủ tục vay vốn ngân hàng được nhiều tiền và dễ dàng hơn so với người dân ở các quận khác chỉ muốn vay vài chục triệu đồng. Đó là những lý do mà nhiều người dân phố cổ cam chịu với những căn nhà chỉ rộng vài mét vuông.


Khó khả thi


Theo KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch - Bộ Xây dựng cho rằng, tính hấp dẫn của phố cổ là vô cùng lớn. Cho dù tạo điều kiện tốt hơn như đền bù cao, xây dựng các khu mới để di dời nhưng người dân vẫn không muốn đi. Phố cổ là một vị trí vô cùng đắc địa, là trung tâm của toàn bộ TP và có giá trị sinh lời rất cao.


Chỉ cần 3 - 4 m2 đã đủ cho một chi nhánh ngân hàng thuê. Giao dịch, thương mại, dịch vụ vô cùng thuận lợi. Giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và truyền thống cũng là những nguyên nhân mà người dân phố cổ không muốn di dời. Chỉ có 23% người dân được khảo sát muốn chuyển đi, nhưng ông Hanh lo ngại rằng, số dân này sau khi nhận nhà, nhận đất có thể sẽ quay trở lại.


"Mức độ khả thi sẽ không cao", đây cũng là ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường. Theo ông Võ, điều quan trọng nhất là việc quen dùng tư duy hành chính để làm việc, điều cần thiết và hiệu quả hơn là hãy đưa ra những lợi ích để những người hiện nay đang ở phố cổ thấy rằng ra đi có lợi hơn ở lại.


Ông Võ cho rằng: " Trong những phương án hiện nay, tôi chưa nhìn thấy điều gì có thể đạt được điều đó. Trong lịch sử đã có những đề án di dân lên miền núi hay đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế nhưng rồi các khu kinh tế mới lại không có điều kiện sống tốt và người dân thất vọng, quay trở lại. Đó là kinh nghiệm xương máu mà chúng ta đã gặp phải. Lúc này, việc di dân phố cổ là việc lớn hơn nhiều, chúng ta phải có những phương án chi tiết hơn, khả thi hơn, hiện thực hơn".


Còn theo ông Hanh, việc di dời người dân phố cổ mà chỉ thành lập Ban chỉ đạo thì "không ổn" mà nên thành lập một công ty, thậm chí một tổng công ty để cải tạo và làm hồi sinh phố cổ: "Nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng, tìm không gian trống để làm hồi sinh lại, đánh giá quỹ kiến trúc để có kế hoạch khôi phục. Nếu không có một chủ đầu tư đủ mạnh để làm việc này, tôi cho rằng một Ban chỉ đạo hay TP khó có thể làm được".


Thống kê năm 2009, mật độ dân cư trong khu phổ cổ khoảng 82.300 người /km2. Trong khi đó, yêu cầu quy hoạch về mật độ dân khống chế cho khu phố cổ đến năm 2010 là 50.000 người /km2. Đề án giãn dân phố cổ được chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1, với khu đất có diện tích 11, 12 ha tại khu đô thị mới Việt Hưng - Long Biên, dự kiến sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ dân (7.200 người) đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang định cư. Đây là một phần trong tổng số trên 6.500 hộ cần giãn dân ở phố cổ với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng, xây nhà tái định cư lên tới gần 4.300 tỉ đồng.

Theo Lại Quỳnh (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.