Cuối năm 2010, Nghĩa trang Văn Điển, một trong những nghĩa trang lớn nhất Hà Nội tuyên bố dừng địa táng do quá tải. Không chỉ Hà Nội, nghĩa trang trở nên quá tải ở hầu hết các đô thị nước ta.
Khi nghĩa trang trở nên quá tải

Mặc dầu quy hoạch nghĩa trang được đặt ra đối với mỗi tỉnh khi lập quy hoạch chung đô thị, nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức. Chưa bao giờ các khu nghĩa trang lại quá tải như hiện nay và đã đến lúc phải có quy hoạch nghiêm túc cho vấn đề này.
Nghĩa trang Xuân Đỉnh được xây dựng từ khi Hà Nội chưa bùng nổ đô thị hóa. Những người dân đầu tiên xây dựng nghĩa trang này cho biết, nghĩa trang chỉ dành cho người địa phương. Khi chọn địa điểm xung quanh chỉ có cánh đồng, chưa có nhà dân sinh sống. Khuôn viên nghĩa trang rộng 5ha, nhưng giờ đã trở nên lọt thỏm cạnh khu đô thị mới với nhà chung cư và biệt thự đắt tiền bậc nhất thủ đô. Ở đây có khoảng 10.000 ngôi mộ cả cũ lẫn mới.
Ông Nguyễn Danh Am, Thôn Nhang, xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Trước kia chúng tôi chọn toàn bộ khu này là đồng ruộng và lấy gần đường đê nhất làm nghĩa trang để bà con trong làng đi cho thuận tiện. Nhưng nay Nhà nước lấy đồng ruộng để xây khu đô thị, nên nghĩa trang của thôn không đẹp lắm so với quy hoạch chung của thành phố”.
Sự phát triển nhanh chóng của đô thị đã khiến những khu nghĩa trang được ví như “xôi đỗ” trong không gian chung của thành phố. Những nghĩa trang này thường chôn theo kiểu truyền thống là địa táng và không có quy hoạch.
Những khu nghĩa trang nhỏ nằm rải rác trong các khu dân cư khắp thành phố, nghĩa trang quy mô cấp thành phố thì Hà Nội có 7, nhưng hầu hết quá tải, chỉ có Thanh Tước và Yên Kỳ còn hoạt động nhưng Thanh Tước thì giá quá cao, không phải người dân nào cũng có thể mua được, còn Yên Kỳ được dự đoán cũng chỉ nhận được thêm trong 2 năm nữa”.
Thông thường, diện tích cho các mộ chôn một lần chiếm tới 12m2, mộ cát táng khoảng 5m2. Khi kinh tế khá hơn thì các gia đình lại có ý muốn xây mộ rộng và to lớn hơn. Đặc biệt có những địa phương như ở TT-Huế, mộ rộng hàng chục m2, được xây hàng tỷ đồng. Đất nghĩa trang đang chiếm một diện tích khá lớn so với tỷ lệ đất xây dựng đô thị, trong đó Huế cao nhất là gần 3%.
TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch Đô thị và Nông thôn cho rằng, chúng ta tính bình quân 4/1000 số tử vong trên đầu người, thì một năm chúng ta mất 1.500 triệu m2 xây nghĩa trang trên toàn quốc.
Việt Nam có trên 700 đô thị lớn nhỏ, đâu cũng thấy mỗi xã, phường hay dòng họ đều có nghĩa trang riêng. Tình trạng manh mún không chỉ gây lãng phí đất, quá tải, mà còn khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Khảo sát tại 15 đô thị của Viện Kiến trúc quy hoạch Đô thị và Nông thôn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… cho thấy, quy hoạch nghĩa trang tại các tỉnh thành chưa được chú trọng, đặc biệt là công nghệ táng. Hầu hết các nghĩa trang không đạt tiêu chuẩn, không có hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thấm từ xác phân hủy, hàm lượng các chất độc hại có trong nước mặt và nước ngầm cao gấp nhiều lần cho phép.
Từ năm 1995, hình thức hỏa táng được du nhập vào Việt Nam và bắt đầu phổ biến tại các đô thị lớn, nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp chỉ khoảng 10%. Việc cải tạo các nghĩa trang hung táng chỉ có thể giảm bớt được phần nào ô nhiễm môi trường. Vấn đề là cần một quy hoạch mang tính dài hạn.
Theo KTS.Nguyễn Như Khuê, Trung tâm nghiên cứu và huy hoạch môi trường Đô thị Nông thôn: “Cải tạo đối với cây xanh hiện nay thứ nhất là dùng cây xanh cách ly, thứ 2 là xử lý bằng hệ thống cống và mương để thu gom nước thải từ nghĩa trang hung táng chuyển sang thì có thể giảm thiểu được phần nào”.
TS.KTS Lê Đình Tri, Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch xây dựng (Bộ Xây dựng): “Không phải làm quy hoạch là tất cả các nghĩa trang đều di dời dồn về một chỗ, mà có 3 loại là xây dựng mới, cải tạo và đóng cửa. Cái đóng cửa là đa phần, nghĩa là cải tạo không chôn tiếp theo, đóng băng lại và vẫn tôn trọng nghĩa trang đấy nếu nó nằm trong quy hoạch hợp lý và không ảnh hưởng nhiều tới môi trường thì người ta cho phép đóng cửa nó tạo thành công viên cây xanh”.
Nghĩa trang không chỉ đơn thuần là nơi để an táng, mà còn là nơi bày tỏ tình cảm của người sống với người đã khuất. Đó cũng là đạo lý sống của người Việt nhớ về tổ tiên.
Nhưng rõ ràng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, trong khi quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp thì cần có chiến lược quy hoạch nghĩa trang đô thị ở từng địa phương và liên vùng. Xu hướng của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nghĩa trang được coi như công viên vĩnh hằng vừa đẹp về cảnh quan, vừa đảm bảo môi trường và tính tới thời gian tồn tại hàng trăm năm. Điều này ở Việt Nam vẫn còn quá ít.
Những ngôi mộ mới vẫn tiếp tục được chôn cất… Theo quy chuẩn Việt Nam, khoảng cách từ nghĩa trang đến khu dân cư gần nhất tối thiểu là 1,5 km. Quy chuẩn này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người sống và người đã khuất sống chen chúc trong một không gian không có quy hoạch như hiện nay.
Theo Xuân Dung (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.