Suy cho cùng, chính sách là để phục vụ số đông chứ không phải vì quyền lợi của một nhóm lợi ích nào đó.
Khi cơ quan Nhà nước cũng lobby

Thị trường bất động sản đang có sự giảm giá mạnh

Mới đây, Bộ Xây dựng có đưa ra đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu hình thức chuyển nợ từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà. Lý do Bộ này đưa ra là không làm tăng tỉ trọng tín dụng bất động sản, đồng thời tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.

Thế nhưng, việc tạo thanh khoản cho nhà đầu tư không thể thực hiện bằng cách trút gánh nặng sang vai người mua nhà nhỏ lẻ, mà phần lớn phải vay mượn tiền để mua nhà. Bằng đề xuất này, có lẽ Bộ Xây dựng đã nói thay tiếng nói của những doanh nghiệp lớn.

Nếu cứ hết vốn lại chuyển nợ sang người mua, chẳng khác nào xúi doanh nghiệp làm bừa. Bởi lẽ, có làm ăn thua lỗ cũng không lo chuyện tìm vốn vì đã có phương án giải cứu.

Cũng cần làm rõ kiến nghị của Bộ Xây dựng về tăng tỉ trọng cho vay đối với khoản mục “vay mua nhà để ở” cụ thể là gì. Làm cách nào quản lý và giám sát được đối tượng vay mua nhà để ở? Rất dễ mua một lúc nhiều căn hộ không phải để ở (chỉ cần nhờ người nhà đứng tên là xong), nhưng lại rất khó mua nhà để ở đối với một gia đình trung lưu bởi giá nhà tại Hà Nội quá cao.

Vừa qua, một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản kể khổ về việc bị siết tín dụng. Tuy nhiên, ít ai nhắc đến việc suốt một thời gian dài khi thị trường lên cơn sốt, các dự án do nhiều tập đoàn nhà nước xây dựng được bán rất chạy, thậm chí có dự án bán đến 40% khi chỉ mới hoàn thành phần móng.

Hơn nữa, chuyện thua lỗ, nợ nần của doanh nghiệp bất động sản có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quản lý tài chính kém, đầu tư không hiệu quả chứ không hẳn do chính sách thắt chặt tín dụng hay thị trường đóng băng.

Các doanh nghiệp quốc doanh đã được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước về vốn, quỹ đất, cơ chế và có nhiều lợi thế khác trong kinh doanh. Họ gặp khó khăn do tình hình chung và nếu có phá sản cũng không phải là thảm họa vì đó là tất yếu của thị trường.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần chấp nhận thực tế này của kinh tế thị trường. Nếu các doanh nghiệp lớn cứ gặp khó khăn lại đòi được giải cứu thì không công bằng với khu vực doanh nghiệp tư nhân và với người dân.

Suy cho cùng, cách giải cứu tốt nhất là lành mạnh hóa thị trường địa ốc nhằm hạ giá nhà đất. Bởi lẽ chính sách là để phục vụ số đông chứ không phải một nhóm lợi ích nào đó.
Theo Thành Trung (Nhà báo và Công luân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.