30/05/2012 7:41 AM
Theo quy định, dự án đã lập nếu sau 3 năm không thực hiện phải xóa quy hoạch, trả lại tự do cho các hộ dân bị ảnh hưởng thực hiện quyền của mình liên quan đến đất đai, nhà ở. Nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều dự án “treo” hàng chục năm khiến người dân không thể nhúc nhích đi đâu được.

Do bị quy hoạch treo hơn 30 năm, nên đường vào khu C30 lầy lội, ngập nước mỗi khi trời mưa - Ảnh: Đình Sơn

“Bỏ quên” hàng chục năm

Dự án tại khu C30 (nay thuộc tổ 1, 2, KP.1, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM) được công bố vào năm 1980. Theo quy hoạch, khu này làm cơ quan, nhà ở của ngành bưu điện, với tổng diện tích hơn 40 ha. Đến năm 2009, UBND TP ra quyết định quy hoạch 1/2.000 để làm trung tâm thương mại, sản xuất kỹ thuật cao, kinh doanh, dịch vụ chuyên ngành bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Từ đó đến nay không có chuyển biến gì mới.

Cụ Huỳnh Đức Tấn, năm nay 80 tuổi, 53 tuổi Đảng, Bí thư Chi bộ KP.1, cho biết đã sống ở đây 32 năm, nhưng do nằm trong vùng quy hoạch treo nên nhà cửa, đường sá, điện nước không được đầu tư khiến "nắng thì bụi, mưa thì lầy". Do không có hệ thống thoát nước, nên mùa mưa nước ngập lên đến tận đầu gối. Sống mòn mỏi nhiều năm trời, nguyện vọng của người dân ở đây chỉ là một tuyên bố chính thức. Nếu quy hoạch thì triển khai ngay, còn không cũng công bố để khôi phục quyền lợi cho người dân.

Hơn 100 căn nhà tại dãy này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không được sửa chữa. Cách đây 3 năm, nền nhà tôi từng bị lún sụp tạo thành một cái hố to tướng, ở rất nguy hiểm nhưng chính quyền không cho nâng cấp

Ông Lý Minh Đức, chủ nhà 141C/1 Trần Bình Trọng, P.1, Q.10

Tại Q.Gò Vấp, gần 500 hộ dân ở khu vực ấp Doi, P.15 cũng đã bị “bỏ quên” hơn 30 năm nay bởi quy hoạch treo. Ông Trần Công Sơn, tổ trưởng tổ 61, nói rằng người dân sống ở vùng dự án treo như sống trong địa ngục, bởi nhà chỉ được sửa chữa tạm, nước không có phải khoan giếng nhưng bị nhiễm phèn. Nhà nào không có hộ khẩu hay KT3 thì câu nhờ điện với giá 3.000 đồng 1 số điện. Có những nhà vì xây dựng quá lâu, nên nền nhà đã nằm dưới mặt đường cả mét. Theo lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp, khu vực này được quy hoạch từ 1995 làm công viên. Nhưng sau đó dự án được điều chỉnh, một phần làm công viên, một phần làm khu đô thị kiểu mẫu. Chính quyền có chủ trương dành phần đất này đổi làm con đường Dương Quảng Hàm, với vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa tìm được nhà đầu tư. Nhiều khả năng dự án tại ấp Doi sẽ được xem xét đưa vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2020 nếu phù hợp. Như vậy là tiếp tục “treo” nữa.

Tài sản “bị niêm phong”

Khu tái định cư 38 ha (KP.4, P.Tân Thới Nhất, Q.12) được quy hoạch từ năm 2002 để tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi một số dự án do Công ty Công trình giao thông công chánh TP.HCM làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do không có năng lực nên dự án đã chuyển về cho Ban quản lý dự án Q.12.

Điều khiến 740 hộ dân, trong đó có 719 hộ bị giải tỏa trắng để nhường đất cho dự án bức xúc là đến nay, sau 10 năm dự án vẫn án binh bất động, để đất hoang trong khi người dân bị mất đất phải sống lay lắt trong những căn nhà ở trọ. Cũng vì quy hoạch treo nhiều năm, đất bỏ hoang nên nơi đây đã trở thành bãi tập kết rác, phế liệu… cho các doanh nghiệp may mặc, xây dựng. Anh Dương Võ Minh Mẫn, có nhà nằm trong dự án treo này bức xúc, gia đình anh cùng một số hộ dân còn sót lại đến giờ vẫn chưa được đền bù, song chính quyền vẫn không cho xây dựng, nâng cấp nhà mới. Một trở ngại khác là không có nước sạch sử dụng, phải dùng nước giếng khoan nhiễm phèn. Khoảng 5 năm nay, anh Mẫn xin “tách sổ” nhưng không được giải quyết, với lý do là dự án đang quy hoạch. Việc mua bán, sang nhượng cũng bị… đóng băng. “Bây giờ kinh tế khó khăn, muốn bán lấy tiền kinh doanh cũng không được. Xây nhà trọ tạm để cho thuê cũng không cho. Tài sản của người dân gần như bị niêm phong, rất khốn khổ”, anh Mẫn trình bày.

Tại Q.8, toàn bộ đường Phạm Thế Hiển, phía giáp với sông Kênh Đôi bị quy hoạch làm hành lang bảo vệ kênh và công viên cây xanh từ năm 1997, treo dài cho đến nay nên khi người dân xin phép xây dựng thì bị hạn chế. Không những thế, do dính quy hoạch nên nhà đất của người dân không buôn bán được, nếu có người mua cũng bị mất giá khoảng 30%.

Tại khu vực đường Trần Bình Trọng, đoạn thuộc P.1, Q.10, hiện có hàng trăm hộ dân bị quy hoạch treo đã gần 10 năm. Ông Lý Minh Đức, chủ nhà 141C/1 Trần Bình Trọng, bức xúc: “Hơn 100 căn nhà tại dãy này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không được sửa chữa. Cách đây 3 năm, nền nhà tôi từng bị lún sụp tạo thành một cái hố to tướng, ở rất nguy hiểm nhưng chính quyền không cho nâng cấp”.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND Q.10, khu vực này thuộc dự án quy hoạch khu dân cư nhà cao tầng, công viên, trường học. Tuy nhiên, gần 10 năm nay vẫn chưa thực hiện được, do không có nhà đầu tư.

Hàng ngàn gia đình sống lay lắt

Trước đây khu vực đường Phú Định, P.16, Q.8, là vùng trũng nên chỉ làm ao nuôi cá, ít có ai ở. Sau khi triển khai dự án cải tạo kênh Lò Gốm và xây dựng Đại lộ Đông Tây trên địa bàn Q.6 thì hàng ngàn hộ dân, chủ yếu là dân nghèo chạy về đây mua đất an cư. Nhưng hiện khoảng 2.000 hộ dân tại khu vực này phải sống lay lắt bởi vướng quy hoạch công viên cây xanh từ thập niên 90 của thế kỷ trước và hiện một phần được đổi quy hoạch làm nhà cao tầng.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, người dân cho biết từng có vài nhà đầu tư đến khảo sát, họp dân, nhưng đã tháo chạy vì số lượng nhà phải giải tỏa quá lớn, chi phí quá cao. Rất nhiều lần bà con kiến nghị cấp số nhà tạm để họ chuyển hộ khẩu từ nơi đã bị giải tỏa về, nhưng không được. Điều này khiến họ phải sống bất hợp pháp vì không hộ khẩu. Cuộc sống tạm bợ sẽ phát sinh nhiều tệ nạn tại khu vực này, nhất là các đối tượng xấu trà trộn vào khá nhiều, rồi cờ bạc, số đề, đá gà...

Theo Thanh niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.