Đó là điều đang xảy ra ở xã Tân Lập 1, H.Tân Phước (Tiền Giang). Trong khi người dân nghèo không có đất sản xuất thì chính quyền lại thu hồi hàng trăm héc ta đất để... bỏ hoang cho cỏ mọc.

Ngôi nhà của Vinashin xây xong rồi bỏ hoang tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp - Ảnh: H.Ph

Cuối năm 2007, dự án Khu công nghiệp (KCN) Long Giang được cấp chứng nhận đầu tư với quy mô 540 ha tại xã Tân Lập 1. Nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC) khẳng định sẽ biến “KCN Long Giang trở thành KCN… đẳng cấp quốc gia”. CSCEC cho biết sau khi hoàn thành, KCN này có thể thu hút khoảng 240 doanh nghiệp từ Trung Quốc với vốn đầu tư 800 triệu USD, sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang lên 2 tỉ USD và tạo cơ hội việc làm cho 100.000 lao động. Hoành tráng vậy nhưng sau khi nhận được đất, chủ đầu tư lại triển khai theo tốc độ của… rùa. Cho đến nay, KCN này vẫn còn gần 450 ha đất bị bỏ hoang. Hàng ngàn lao động trồng khóm từ Nông trường Tân Lập cũ giờ không còn đất đã phải tha hương kiếm sống.

Cũng trên địa bàn xã này, Tiền Giang lại quy hoạch thêm KCN Tân Phước 1. Thế là thêm 400 ha đất nữa bị bỏ hoang.

Một cán bộ lãnh đạo UBND xã Tân Lập 1, nói: “Có nhiều nguyên nhân khiến đất đai bị bỏ hoang. Như trường hợp 400 ha đất tại KCN Tân Phước 1, ngay khi chính quyền vừa công bố quy hoạch KCN và chỉ mới dự kiến thu hồi đất thì người dân đã ngừng sản xuất do đây là đất nông dân hợp đồng nhận khoán với Nông trường Tân Lập. Lẽ ra nông trường phải có trách nhiệm điều hành, quản lý sản xuất. Nhưng nhiều năm nay nông trường đã bỏ mặc cho nông dân muốn làm gì thì làm.

Do hợp đồng nhận khoán đến năm 2013 là hết hạn, thời gian còn lại quá ngắn trong khi muốn đầu tư mới thì mỗi héc ta khóm phải bỏ ra gần 100 triệu đồng nên nông dân không dám đầu tư, ngân hàng cũng không cho vay”. Vậy nông dân bỏ đất rồi sống bằng gì? Vị cán bộ này cho biết, lao động trẻ thì đi làm ở các công ty; người lớn tuổi ở nhà giữ con hoặc làm mướn. Chính vì vậy mà năm ngoái, hộ nghèo của xã đã tăng thêm 1%.

Ông Đỗ Tấn Sĩ, một nông dân 80 tuổi, có 1,2 ha đất trồng khóm đang bỏ hoang cho biết thêm nông trường không còn bao tiêu sản phẩm như trước. Giá khóm do thương lái quyết định. Đất sản xuất thì trong tình trạng phập phồng chờ giải tỏa nên không ai dám đầu tư. Do vậy người dân đành phải bỏ hoang cho cỏ mọc. “Ở vùng này bây giờ chỉ còn người già và con nít, đa số lao động trẻ bỏ đi kiếm sống khắp nơi”, ông Sĩ than.

Theo Hoàng Phương (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.