Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 982 nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng do thành phố quản lý và 173 nhà chung cư, nhà tập thể khác do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng quản lý.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho hay, trong số hơn 1.000 nhà chung cư cũ, đặc biệt có 11 công trình nhà chung cư nguy hiểm cấp D, buộc phải tổ chức di dời, cải tạo xây dựng lại theo quy định của Luật nhà ở. Như nhà B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I 1, 2, 3 Thái Hà; P3 Phương Liệt (quận Đống Đa); C7, B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 148 - 150 Sơn Tây.


Trên thực tế, tiến độ cải tạo nhà chung cư nguy hiểm vẫn còn chậm. Điển hình là quá trình cải tạo nhà B6 Giảng Võ mới khởi công, C1 Thành Công chưa thực hiện, 148 - 150 Sơn Tây chưa tiến hành vì mới điều chỉnh quy hoạch.

Hơn 1.000 chung cư cũ chờ ‘khám bệnh’
Nhiều chung cư cũ tại Hà Nội thực sự là hiểm họa.

Điều đáng nói, nhiều khu tập thể cũ đã có quyết định cải tạo cách đây 10 năm như khu tập thể Văn Chương, đến nay vẫn nằm không, chưa được “khám bệnh”. Ngoài ra, nhiều chung cư khác kể cả đã tiến hành đo đạc cũng như lấy ý kiến nhân dân, đạt được thỏa thuận đền bù và quyết định giao đất song vẫn chưa tiến hành.


Theo báo cáo, trên địa bàn thành phố hiện có tới 13 dự án cải tạo chung cữ có tiến độ quá chậm, phải kể đến như dự án cải tạo chung cư khu Hào Nam (Đống Đa) do Liên danh Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội và Cổ phần đầu tư đô thị Kang Long làm chủ đầu tư; B15, B16, B18, B19 Kim Liên do Công ty Cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư…


Vấn nạn tiến độ cải tạo dự án chung cư cũ được triển khai chậm được ông Tuấn lý giải: "Một số doanh nghiệp bằng mọi giá vào để thỏa thuận với dân. Nhưng trong quá trình thỏa thuận phát sinh rất nhiều ý kiến của người dân, đặc biệt là đòi hỏi về quyền lợi như diện tích nhà tái định cư, các khoản phí hỗ trợ… Bản thân doanh nghiệp cũng quay lại tạo sức ép với thành phố đề nghị được nâng cao tầng nhằm đảm bảo tái đầu tư."


“Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiến hành rà soát lại các dự án, nếu dự án nào chậm triển khai sau 6 tháng, Sở sẽ kiến nghị thay thế bằng nhà đầu tư khác có năng lực hơn”, ông Tuấn khẳng định.


Còn ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhấn mạnh: “Để giải quyết dứt điểm tình trạng chủ đầu tư vào nhận công trình rồi “đắp chiếu” làm tan hoang thành phố, khiến người dân phải chờ đợi, Sở Xây dựng phải có điều kiện ràng buộc chủ đầu tư về tiến độ công trình”.


“Trong tháng 8 này, Sở Quy hoạch Kiến trục phải cung cấp và công khai các thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ, tránh tình trạng chậm trễ kéo dài của các dự án cải tạo chung cư cũ”, ông Khôi yêu cầu.


Theo Sở Xây dựng, với số vốn 7,2 tỷ đồng 77 công trình nhà chung cư cũ được xếp vào công trình nguy hiểm cấp D sẽ được “khám bệnh”, tổ chức di dời cải tạo xây dựng lại theo quy định của Luật nhà ở.


Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hiện thành phố mới chỉ chú ý đến việc cải tạo lại các chung cư cũ được xếp ở mức độ nguy hiểm cấp D. Nhưng, thực tế, các nhà chung cư cũ được xếp ở mức độ nguy hiểm cấp C cũng rất cần được quan tâm. Ông Tuấn đề nghị, Bộ Xây dựng cần cho phép nghiên cứu, lập phương án tổ chức di dời các hộ gia đình tại các nhà lắp ghép tấm lớn được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp C.

Theo Thu Huyền (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.