Lợi
nhuận cao từ đầu tư các dự án BĐS đã biến khắp nơi trên mọi miền đất
nước thành đại công trường về nhà ở. Đô thị mọc lên tự phát, trong khi
quy hoạch chung không theo kịp, dẫn đến những hậu quả không thể lường
trước.
“Trải chiếu” cho DN?
Theo Bộ trường Nguyễn Hồng Quân, để xảy ra tình trạng mỗi tháng cả nước
xuất hiện thêm một đô thị mới, thì một trong những nguyên nhân là do
bất cứ DN nào cũng nhìn thấy việc đầu tư BĐS lợi nhuận cao, vì vậy DN
nào cũng muốn xin đất làm đô thị, nhà ở.
“Điều đáng nói là DN đổ xô đến địa phương để xin đất, nhưng chủ yếu là
nhắm đất ruộng để xin vì không phải đền bù GPMB nhiều. Chính quyền địa
phương thì muốn tăng trưởng, muốn GDP tăng, muốn tổng sản phẩm tăng, thu
ngân sách tăng...; vì vậy, cứ DN nào xin thì cấp. Chính vì chính quyền
trải chiếu cho DN trong khi quy hoạch chung chưa có, do đó đã dẫn đến
tình trạng ngày càng có đô thị tự phát, hậu quả không thể lường trước
được” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thẳng thắn bày tỏ ý kiến.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 1999 – 2011, Việt Nam có thêm 126
khu đô thị, nâng tổng số đô thị trên cả nước lên 755 khu. Trong hơn 10
năm qua, tỉ lệ đô thị hóa tăng gần 10% (từ 20,7% lên 30,5%). Trong khi
đó, dân số đô thị tăng 42%, từ 18,3 triệu người lên 26 triệu người,
khiến mật độ dân số đô thị tăng nhanh, kéo theo nhiều vấn đề về xã hội,
môi trường, văn hóa, hạ tầng giao thông...
Còn theo Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn
đến năm 2030 thì hiện quỹ nhà ở toàn quốc đạt trên 900 triệu mét vuông,
tương đương 12m2 sàn/người, chỉ đạt hơn 50% so với mục tiêu đến năm
2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 21,5m2 sàn/người.
Căn cứ trên các con số điều tra này, dự đoán đến năm 2040, tốc độ phát
triển đô thị tại Việt Nam sẽ đạt mốc 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng
gấp 10 lần so với hiện nay và có thêm khoảng 20 triệu người chuyển đến
sống tại các thành phố.
Điều này cho thấy, mức độ tăng chóng mặt số lượng các khu đô thị mới
trên cả nước, đặc biệt ở Hà Nội, TPHCM. Vấn đề đặt ra ở đây là, với số
vốn đầu tư đăng ký lên đến hàng ngàn tỉ đồng/dự án, trong bối cảnh nền
kinh tế hiện nay, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, sẽ có nhiều dự án
đăng ký để đấy chiếm chỗ, chờ thời; và rằng Việt Nam sẽ không thể có đủ
tiền để thực hiện một phần nhỏ số lượng dự án đăng ký.
Bất cập trong chính sách - phần nổi của tảng băng?
Theo ý kiến của các chuyên gia, từ tình trạng đô thị mọc tràn lan rồi bỏ
hoang hiện nay, đang lộ diện nhiều vấn đề cần phải xem xét lại, cả về
công tác quản lý và chính sách vĩ mô.
Về công tác quản lý, bản thân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng thừa nhận,
hiện quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm yếu và
hết sức phức tạp, trong đó có trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Nghị định
02/NĐ-CP quy định về quản lý đô thị, Bộ Xây dựng tham mưu với Chính phủ
ban hành từ cách đây 7 năm nhưng hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Bộ
đang nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi. Luật Đô thị cũng đang được
bộ nghiên cứu xây dựng, dự kiến đến giữa năm 2012 sẽ xin ý kiến Quốc hội
phê duyệt lần đầu.
“Để tránh tình trạng đô thị mọc tràn lan thì quy hoạch cần đi trước một
bước, và phải có cơ chế quản lý quy hoạch. Các địa phương, các tỉnh nơi
xây dựng các đô thị phải lưu ý điều này. Đừng thấy trước mắt khắp nơi,
đặc biệt ở các vùng ngoại ô, không khí xây dựng nhộn nhịp đã là hay, mà
phải thấy hệ lụy của nó. Quy hoạch chung của Hà Nội sắp tới sẽ được Thủ
tướng phê duyệt, nhưng điều Thủ tướng đặc biệt quan tâm nhất vẫn là cơ
chế quản lý quy hoạch ấy như thế nào” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, vấn đề về quy hoạch và
trách nhiệm của cơ quan quản lý vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng dẫn
đến tình trạng đô thị bỏ hoang. Sâu xa hơn, vẫn là một cơ chế chưa thực
sự khuyến khích phát triển sản xuất. “Lợi nhuận tìm kiếm ở các ngành phi
sản xuất cao hơn lợi nhuận thu được từ sản xuất chính là nguyên nhân
khiến nhiều DN đổ xô vào các dự án BĐS” - một DN lớn trong ngành xây
dựng cho biết.
Cũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến tình hình kinh doanh 6 tháng của
Bộ Xây dựng, ông Lê Văn Chung - Chủ tịch HĐQT TCty Công nghiệp ximăng
Việt Nam (ViCem), đã chỉ ra rằng, đang có một sự bất công giữa lợi nhuận
của ngành ngân hàng với các ngành sản xuất hiện nay. “Đơn cử như TCty
tôi, sau khi trừ các chi phí tài chính, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của
ViCem chỉ còn 314 tỉ đồng. Đem chia cho con số 12.500 tỉ đồng vốn của DN
thì chỉ để ra được 2-3% lợi nhuận. Trong khi khối ngân hàng lợi nhuận
vẫn cao từ 20-25% trên vốn chủ. Với lợi nhuận 2-3%, DN không đủ trả cổ
tức cho cổ đông theo lãi suất ngân hàng. Lợi nhuận quá chênh lệch giữa 2
khối sản xuất và phi sản xuất như vậy là một sự bất công, làm triệt
tiêu động lực sản xuất” - ông Chung bức xúc.
Trở lại vấn đề đô thị mọc tràn lan, đại diện một DN BĐS lớn cho rằng,
ngoài các nguyên nhân kể trên, còn có nguyên nhân lớn là do giá BĐS liên
tục tăng cao, ở nhiều khu vực có mức độ tăng từ 50%, thậm chí đến 100%
trong khoảng thời gian ngắn, do đó việc hàng trăm ngàn DN tham gia vào
lĩnh vực này là điều dễ hiểu. Điều đáng lo ngại là trong bối cảnh khó
khăn hiện nay, với lãi suất cho vay của ngân hàng lên tới 24%/năm, chắc
chắn Hà Nội và nhiều địa phương lớn trên cả nước sẽ còn nhiều khu đô thị
hoang hóa, hoặc kéo dài tình trạng triển khai “đắp chiếu” vì đói vốn!