Giữ được quy hoạch lộ giới đường và hẻm là nỗ lực lớn của các sở, ngành, quận, huyện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc UBND TP chấp thuận chủ trương nhà trong lộ giới được phép xây dựng tạm với quy mô tối đa ba tầng (Pháp Luật TP.HCM ngày 13, 14-6) còn thiếu sự nghiên cứu kỹ quy hoạch hệ thống đường phố. Điều này rất quan trọng, bởi với những tuyến đường nếu cả trước mắt và lâu dài đều không có khả năng thực hiện, thậm chí trong tương lai có kinh phí nhưng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân thì nên xóa bỏ quy hoạch lộ giới. Khi xóa bỏ lộ giới, một vấn đề phải đặc biệt lưu tâm là dù có kinh phí để thực hiện cũng không thể không tính đến vấn đề an sinh xã hội và cuộc sống của người dân.
Biến hẻm thành đường để đủ chỉ tiêu phê duyệt quy hoạch
Đối với hẻm, hãy bắt đầu từ nguồn gốc hình thành. Loại thứ nhất là hẻm tại các khu dân cư hiện hữu do quá khứ để lại. Thứ hai là do quản lý đô thị yếu kém trong thời gian qua nên mới xuất hiện. Cần phải tách bạch nguồn gốc hình thành để có cách xử lý phù hợp. Đối với hẻm đã có từ xưa thì cần xem xét lại, riêng những hẻm do quản lý yếu kém để lấn chiếm thì nhất định phải thực hiện đúng quy hoạch.
Theo TS Nguyễn Trọng Hòa, với những con hẻm hình thành từ xưa thì nên tính đến chuyện chỉnh trang trước đã. Ảnh: VIỆT HOA
Có một thực tế là thời gian qua, không ít con hẻm đã được biến thành đường nhằm đủ chỉ tiêu để được duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000. Thay vì mở thêm đường, có những con hẻm đang từ vài mét đã được nâng thành 12 m, mà rộng như thế thì nghiễm nhiên trở thành đường. Khi đồ án quy hoạch được phê duyệt, các con hẻm này cũng hết vai trò (làm đường trong đồ án) nên tiếp tục nằm ở dạng quy hoạch mà không biết bao giờ thực hiện, hoặc bị thu nhỏ lại với lý do dân không chịu làm hoặc không có ngân sách. Đây là một cách làm hết sức sai lầm. Lỗi này là của cơ quan quản lý chứ không thể đổ cho người dân!
Đối với những con hẻm này, hãy trả lại cho nó trở về với việc được chỉnh trang trước đã. Khi chỉnh trang xong thì mới cho phép xây dựng chứ không thể nói hôm nay quy hoạch, mai buông và được phép xây dựng tiếp. Việc cho phép xây dựng với quy mô ba tầng có thể hợp lòng dân (vì đó là vấn đề họ bức xúc từ lâu) nhưng hoàn toàn trái quy định của pháp luật và tự mâu thuẫn với chính mình. Do đó, cũng sẽ là vô nghĩa nếu đặt ra mốc thời gian năm năm nếu Nhà nước không thực hiện quy hoạch.
Nên chọn những giải pháp làm an lòng dân
Chủ trương mở rộng hẻm để cải tạo và chỉnh trang đô thị là cần thiết và đúng đắn. Bởi thế, trước khi thực hiện chủ trương cho phép xây dựng tạm với quy mô lớn như vậy, TP nên rà soát xem các quy hoạch hẻm đã đúng chưa, nếu cứ giữ mãi lộ giới thì có đúng không. Chỗ nào không đúng, không phù hợp thì nên mạnh dạn xóa bỏ quy hoạch. Mà nếu xóa quy hoạch thì cần phải có biện pháp chỉnh trang, cải tạo thay thế chứ không thể cứ thay đổi là đập bỏ, người dân sẽ không yên tâm.
Quay lại nhiều chục năm trước đây, lẽ ra khi làm quy hoạch, những chỗ có dân ở thì khoanh lại, ưu tiên không đụng chạm và thực hiện quy hoạch cho tốt những khu vực trống xung quanh, người dân sẽ tới chỗ đó ở và lúc đó việc sửa sang, xây dựng lại cũng dễ. Đằng này chúng ta cứ chia ô vuông ra, những chỗ có dân và không có dân đều được đối xử giống hệt nhau. Thế thì cái sai cũng bắt nguồn từ tư duy chiến lược trong vấn đề lập quy hoạch ngay từ đầu.
Theo tôi, muốn thực hiện quy hoạch, TP phải đầu tư nghiên cứu thêm về mặt xã hội. Lâu nay chúng ta chỉ nghĩ là có tiền, có kỹ thuật thì làm được. Thật là một quan niệm sai lầm. Xã hội là một nửa vấn đề, nếu thực sự lắng nghe, xót dân, thấy bức xúc của người dân thì phải làm tổng hợp hơn. Vậy thì, chúng ta một lần nữa hãy ngồi với nhau xem xét lại từng quận, huyện một, cũng như toàn TP về tính khả thi của quy hoạch đường sá.
Tính khả thi ở đây không phải là tiền mà là vấn đề xáo trộn xã hội xảy ra khi mở rộng một tuyến đường hay hẻm. Chúng ta còn có nhiều biện pháp kỹ thuật khác có thể làm, như đường trên cao, tổ chức tốt giao thông công cộng, vậy thì hãy chọn những giải pháp có thể làm an dân hơn. Còn lại những con đường, tuyến hẻm mà thực hiện giải pháp nào cũng được thì hãy can đảm bỏ hẳn quy hoạch và dám chịu trách nhiệm về việc này. Xóa bỏ ở đây không có nghĩa là ban ơn cho dân, cũng không có nghĩa làm nửa vời theo kiểu sẽ làm trong tương lai. Thay vào đó, quy hoạch hẻm nên để cho dân bàn, dân tự quyết định, Nhà nước giám sát và có lộ trình thực hiện hẳn hoi.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP
Vấn đề đầu tiên là cần xác định “lộ giới” ở từng khu vực cụ thể có thực sự cần thiết cho ATGT hay không chứ không phải xác định đến khi nào mới cần. Nếu chỗ nào thực sự không cần thì hủy bỏ quy hoạch để người dân được xây nhà kiên cố. Nếu lộ giới ở đó là cần thiết nhưng do thiếu kinh phí chưa thực hiện được thì chỉ nên cho phép và vận động người dân xây nhà trệt bán kiên cố. Không nên quy định theo kiểu “nước đôi” sẽ khó cho cả cơ quan chức năng và người dân vì sẽ không ai hiểu được khái niệm “sau năm năm” là năm năm một tháng, là 10 năm hay lâu hơn nữa ? TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) Gia đình tôi gồm năm người, hơn 40 năm nay sống trong ngôi nhà có diện tích 30 m2 (3 x 10 m). Nhà nước đã quy hoạch hẻm này có lộ giới là 8 m từ hơn 10 năm nay. Nhà tôi có 2 m nằm trong quy hoạch lộ giới, nếu mở rộng hẻm thì chỉ còn lại vẻn vẹn 24 m2, sẽ rất khó khăn cho sinh hoạt. Nhưng nếu Nhà nước cho xây ba tầng tôi cũng không dám xây, vì chẳng dại gì bỏ ra cả đống tiền để rồi sẽ phải đập đi sau thời gian ngắn cả. Bà NGUYỄN THỊ THANH XUÂN, hẻm 189 Cách Mạng Tháng Tám, phường 7, quận Tân Bình |