06/07/2011 8:52 AM
Sau 2 tháng UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc các tuyến giao thông, đến nay hầu hết các quận, huyện mới chỉ dừng ở việc thống kê, phân loại để xử lý, thậm chí còn 4 quận, huyện vẫn chưa có báo cáo phương án cụ thể. Sáng 5.7, UBND TP.Hà Nội đã có buổi làm việc với các sở, ngành, quận, huyện về vấn đề này.

Trên địa bàn TP hiện chỉ có quận Thanh Xuân được UBND TP chỉ đạo giải quyết để làm điểm cho các quận, huyện khác thực hiện việc xử lý trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng công trình. Đến nay, quận đã xử lý được 39/70 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phải phá dỡ. Trong 31 công trình còn lại, có 5 trường hợp đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định chấp thuận cho hợp khối, còn 26 trường hợp quận đề nghị thu hồi.


Hầu hết mới dừng ở thống kê, phân loại

Nhiều nơi ở Hà Nội vẫn còn nhà siêu mỏng. Ảnh: T.Dũng

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó GĐ Sở Xây dựng - sau khi TP ban hành Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND, đến nay hầu hết các quận, huyện đều đã thực hiện việc thống kê, phân loại để xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng công trình, có thông báo vận động nhân dân hợp thửa đất, hợp khối công trình. Tuy nhiên, các quận, huyện chưa thể hiện kết quả hợp thửa đất, hợp khối công trình theo thời gian quy định, đồng thời cũng chưa thực hiện việc lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng làm cơ sở xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, chưa thực hiện lập phương án kiến trúc.

Dẫn đầu danh sách có nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn hiện nay là quận Ba Đình với 89 trường hợp (phát sinh 27 trường hợp so với tháng 3.2011). Trong số đó, 28 trường hợp có thể hợp khối được và 29 trường hợp không hợp khối được. UBND quận đề nghị thu hồi 27 trường hợp thuộc quy hoạch chưa thực hiện được và 5 trường hợp nằm ngoài chỉ giới mở đường Văn Cao - Hồ Tây thuộc phường Liễu Giai. Ông Nguyễn Thế Công - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình - cho biết, dự kiến kinh phí để thực hiện nhiệm vụ trên cần 59 tỉ đồng để thực hiện bồi thường đất và 16 tỉ đồng hỗ trợ nhà, còn việc tái định cư cần 50 căn hộ.

Hiện quận Đống Đa có 73 trường hợp không đủ điều kiện về quy hoạch kiến trúc. Trong đó, có 10 trường hợp đã thống nhất khớp nối; 10 trường hợp đã có thông báo hợp thửa; còn 50 trường hợp, quận đã yêu cầu các phường thực hiện thu hồi đất để làm hè, đường. Đối với 3 trường hợp còn lại, có 1 trường hợp quận đề nghị phá dỡ, 2 trường hợp để thực hiện phục vụ dự án. Tương tự, quận Hoàng Mai có 45 trường hợp; quận Hai Bà Trưng có 30 trường hợp; quận Cầu Giấy có 45 trường hợp; quận Tây Hồ có 47 trường hợp; huyện Hoài Đức có 33 trường hợp. Còn 4 quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Thanh Trì, Hà Đông đến nay vẫn chưa có báo cáo phương án cụ thể.

Phát biểu kết luận tại buổi họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, 8 quận, huyện trên phải hợp khối, hợp thửa, thu hồi GPMB hoặc hỗ trợ đền bù dự án theo đúng thủ tục trong tháng 10.2011, đồng thời phải có kế hoạch vận động người dân thực hiện quyết định của TP. Còn đối với các quận, huyện còn lại, Sở Xây dựng đôn đốc trong tháng 7 có thống kê, điều tra, phân loại... để thực hiện tiếp trong đợt 2.
Theo Xuân Thu (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.