70% nguyên nhân là do mức bồi thường không thỏa đáng
Trong những năm qua, có đến 70% số trường hợp khiếu tố trên cả nước thuộc về lĩnh vực đất đai, trong đó nguyên nhân mức bồi thường đất không thỏa đáng, chiếm đến 70% trong tổng số đơn thư khiếu tố đất đai. Thực trạng này đã và vẫn đang được xem là một "điểm nóng" của xã hội và cho tới nay chưa hề có dấu hiệu bớt căng thẳng.
Một trong những nguồn cơn chính của tình trạng đó là khi thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư dự án đã tìm nhiều biện pháp ép người dân nằm trong diện phải giải tỏa phải chịu mức giá thấp hoặc không ngang bằng với giá thị trường. Có những trường hợp người bị giải tỏa rơi vào tình thế trắng tay sau khi buộc phải nhận tiền đền bù - vấn nạn mà họ gọi là "nạn cướp đất".
Trong nhiều trường hợp khác, khi không ép được người phải giải tỏa nhận tiền đền bù thiếu thỏa đáng, chủ dự án đã tạo ra một thứ "dịch vụ" bằng cách nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương nơi tiến hành dự án.
"Dịch vụ" này liên quan mật thiết đến biện pháp cưỡng chế hành chính, có khi cưỡng chế thô bạo, bỏ mặc lời khẩn cầu của đối tượng bị giải tỏa.
Từ việc thỏa thuận mang tính dân sự thuần túy, những biện pháp ép buộc và cưỡng chế hành chính đã vô hình trung biến hành vi dân sự thành yếu tố có tính hình sự, lại càng làm cho người dân bất bình và dẫn đến nhiều hơn phản ứng khiếu kiện, khiếu tố về đất đai, khiến cho các cơ quan công quyền phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết.
Lại hành chính hóa việc thu hồi đất
Gần đây, có thông tin cho biết một quy định mới về "tiếp cận đất đai" đang được dự thảo và đề xuất bởi Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường (xem bài " Tiếp cận đất đai: Nhà đầu tư sẽ "dễ thở" hơn?", VnEconomy ngày 26/7/2011). Trong đó, Tổng cục Quản lý đất đai đề xuất hai phương án:
Thứ nhất, bỏ việc nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, thay vào đó Nhà nước thu hồi đất đối với mọi trường hợp.
Thứ hai, vẫn giữ cơ chế nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất, nhưng bổ sung theo hướng trường hợp nhà đầu tư mua được trên 80% diện tích đất cho dự án, hoặc mua được đất của trên 80% số chủ sử dụng ở trong khu vực dự án, mà phần diện tích đất còn lại, hoặc số chủ sử dụng đất còn lại nhà đầu tư không thoả thuận được, thì Nhà nước ra quyết định thu hồi đất.
Chiếu theo Luật Đất đai, có quy định là nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất khi muốn triển khai dự án đầu tư; còn nhà nước chỉ quyết định thu hồi đối với một số dự án đầu tư quan trọng.
Đối với quy định này, theo nhận xét của ông Lê Thanh Khuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đã giúp giảm áp lực trong việc thu hồi đất bằng các quyết định hành chính, nhưng trên thực tế lại tạo ra sự bất bình đẳng giữa chủ đầu tư các dự án lớn (được nhà nước ra quyết định thu hồi) và dự án nhỏ (tự thỏa thuận).
Hơn nữa, Tổng cục Quản lý đất đai đã ghi nhận, khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất thì giá thỏa thuận thường cao hơn giá bồi thường dẫn tới khó khăn cho việc thu hồi đất của dự án khác trong cùng địa bàn. Một thống kê của cơ quan này cũng cho hay một số dự án đã thỏa thuận được trên 90% diện tích đất nhưng vẫn không hoàn tất được việc thu hồi đất do 10% còn lại không đồng ý nhưng không có cơ chế xử lý.
Vậy những lý do mà Tổng cục Quản lý đất đai nêu ra đã đủ thuyết phục cho việc soạn thảo một quy định mới về thu hồi đất hay không? Cần nhắc lại, theo những thông tin từ chính Bộ Tài nguyên và Môi trường (VietNamNet ngày 6/8/2006), có đến 70% trong tổng số trường hợp khiếu tố về đất đai là vể giá đất tính bồi thường thấp hơn so với giá thị trường, 20% là khiếu nại đòi bồi thường thêm theo giá đất mới. Thông thường, điều mà người chịu giải tỏa yêu cầu là "giá bồi thường hợp lý".
Thực tế, những người trong cuộc (người bị giải tỏa, chủ dự án và cơ quan quản lý nhà nước) đều nằm lòng "chủ trương" bồi thường cho người dân của không ít chủ dự án là đi từ thấp đến cao, ban đầu đưa ra mức giá thấp với nhiều lý do nhằm buộc người dân phải chấp nhận, sau đó nếu thấy khó khăn và bị người dân phản ứng mạnh mới dần từng bước nâng giá bồi thường lên đến một mức mà người dân có thể chấp nhận như "giá bồi thường hợp lý". Mức giá hợp lý này đương nhiên phải cao hơn, hoặc cao hơn hẳn mức giá bồi thường ban đầu được chủ dự án áp đặt.
Chính khoảng cách giữa "giá bồi thường hợp lý" với "giá bồi thường" đã làm phát sinh khiếu kiện và phản ứng của người dân trong những năm qua. Khoảng cách này càng lớn thì mức độ khiếu kiện càng trầm trọng. Việc xử lý khoảng cách này đã được Luật Đất đai quy định là tự thỏa thuận, cũng là một phương thức làm nhẹ bớt căng thẳng xã hội.
Đừng "đổ thêm dầu vào lửa"
Nay, với hai phương án mà Tổng cục Quản lý đất đai đề xuất đề thiên về biện pháp hành chính là "thu hồi đất", liệu có phải là một động tác "đổ thêm dầu vào lửa"? Nếu đề xuất này được cấp trên thông qua và ban hành, đúng là nhiều chủ dự án sẽ "dễ thở" vì họ lại được trở về với không khí ưu đãi trước khi có quy định về cơ chế tự thỏa thuận giá bồi thường. Với ưu đãi mang tính đặc quyền này, họ sẽ lại được quyền đưa ra những mức giá đền bù thấp hơn hẳn giá thị trường, còn nếu người bị giải tỏa không đồng ý thì họ luôn có thể dùng tới biện pháp "dịch vụ" - nhờ vả sự can thiệp của chính quyền địa phương để hành chính hóa việc thu hồi đất thông qua hoạt động cưỡng chế.
Cũng cần nhắc lại là hoạt động khiếu kiện đất đai hiện nay đã khác nhiều với cách đây gần mười năm. Trước năm 2005, hoạt động này chỉ diễn ra lẻ tẻ, rời rạc, mang tính cá nhân đơn lẻ. Nhưng những năm sau đó, khiếu kiện đất đai dần trở nên một hoạt động mang tính xã hội, có liên kết và có tổ chức giữa các nhóm cá nhân, thậm chí giữa các địa phương.
Trong quan điểm giải quyết vấn đề đất đai, Nhà nước không bao giờ lại muốn hoạt động này chịu áp lực của những căng thẳng không đáng có, cũng như không nên để vấn đề này trở thành một "điểm nóng" mà khiến cho Nhà nước lẫn người dân đều phải bức xúc và khó nghĩ trong các cuộc đối thoại.
Thế nên việc những cơ quan quản lý nhà nước về đất đai như Tổng cục Quản lý đất đai dự kiến ban hành những quy định liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... , cần được cân nhắc cẩn trọng về tính khả thi lẫn xem xét tổng hòa trên phương diện xã hội - chính trị, hạn chế đến mức tối thiểu khả năng xảy ra tiêu cực từ cán bộ thực hiện bồi thường, mang lại công bằng cho người dân bị giải tỏa.