Đây được coi là kết quả của việc sử dụng quỹ nhà biệt thự với nhiều mục đích khác nhau cũng như quá tải về số dân ở trong các biệt thự. Cụ thể là số biệt thự có 1 - 2 hộ dân chỉ chiếm 5%, có từ 5 - 10 hộ dân chiếm 50%, còn lại khoảng 40% số biệt thự có từ 10 - 15 hộ ở, cá biệt có biệt thự có tới 35 - 40 hộ ở. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 15% biệt thự cổ tại Hà Nội còn nguyên trạng trong khi tỷ lệ đã bị cải tạo, biến dạng trong quá trình sử dụng chiếm tới 80% và 5% còn lại thì đã phá đi xây dựng lại.
Biệt thự cũ ở Thủ đô cần được đầu tư tôn tạo (ảnh có tính minh họa). |
Để có biện pháp bảo tồn các biệt thự cũ có giá trị, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê số biệt thự cũ trên địa bàn. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội tại phiên họp của HĐND sáng 4/12, số biệt thự cũ được chia thành 3 nhóm, nhóm 1 gồm 225 biệt thự, nhóm 2 gồm 383 biệt thự, nhóm 3 là 645 biệt thự.
Theo tiêu chí biệt thự cũ là biệt thự được xây dựng trước năm 1954 và có đủ các tiêu chí sau: Có lịch sử, văn hóa, chính trị; Có giá trị về nghệ thuật kiến trúc; Có giá trị về cảnh quan đô thị; Có tính nguyên bản; Có công năng sở hữu. Căn cứ vào kết quả rà soát, phân loại UBND TP Hà Nội đề nghị ban hành danh mục biệt thự nhóm 1 (các biệt thự gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc) để tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư, tôn tạo.
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) đã đề nghị HĐND lập danh mục biệt thự cũ cần bảo tồn là 608 biệt thự, trong đó có 225 biệt thự nhóm 1 và 383 biệt thự nhóm 2. Cho rằng, việc bảo tồn từng ngôi biệt thự phải gắn hài hòa với tuyến phố và khu vực xung quanh, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh: UBND TP cần tiếp tục rà soát số biệt thự nhóm 3, tuy giá trị về kiến trúc không cao nhưng có giá trị về quy hoạch, nằm ở vị trí có khả năng đóng góp tích cực vào cảnh quan đô thị như ở góc phố, quảng trường, những khu vực có tầm nhìn thoáng, ở những phố đặc trưng hay ở những tuyến phố có nhiều biệt thự Pháp, biệt thự liền kề hoặc gần nhau, biệt thự có khuôn viên rộng, bề thoáng, có cây xanh, cổng, hàng rào, biệt thự không bị che lấp được lộ diện ở lớp thứ nhất trình HĐND TP Hà Nội đưa vào danh mục bảo tồn tại các kỳ họp sau. Ban Văn hóa - Xã hội cũng đề nghị UBND TP làm rõ tổng số biệt thự nhóm 1 và 2 có bao nhiêu biệt thự thuộc sở hữu nhà nước?.
Về công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954, Ban Văn hóa - Xã hội thống nhất với tờ trình của UBND Thành phố lựa chọn 41 công trình thuộc nhóm 1, là những công trình có giá trị kiến trúc tiêu biểu, đại diện cho thể loại phong cách kiến trúc, có quy mô lớn, vị trí đẹp, giữ được tính nguyên bản và kiến trúc, không gian, cảnh quan, sân vườn trình HĐND lập danh mục cần bảo tồn tại kỳ họp này. Sau đó lập danh mục bảo tồn theo quy định của Luật Thủ đô.
Sáng cùng ngày, Nghị quyết ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô đã được các đại biểu thảo luận và 77,9% ý kiến thông qua.
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, danh mục phố cổ có 79 phố; danh mục Làng cổ có 1 làng, đó là làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (gồm các thôn: Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng, Đoài Giáp và khu vực phụ cận là các thôn Phụ Khang, Hưng Thịnh, Văn Miếu, Hà Tân; danh mục Làng nghề truyền thống tiêu biểu có 7 làng: Làng nghề Sơn khảm thôn Ngọ (Phú Xuyên); Làng nghề Sơn mài Hạ Thái (Thường Tín); Làng nghề Mây tre đan thôn Phú Vinh (Chương Mỹ); Làng nghề Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); Làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông); Làng nghề Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); Làng nghề Gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (Đông Anh); danh mục biệt thự cũ có 225 biệt thự cũ, tập trung trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ (trong đó có biệt thự 90 Nguyễn Du); danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 có 41 công trình; danh mục di sản văn hóa phi vật thể có 2 di sản, đó là: Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, hát Ca trù. Nghị quyết cũng nêu rõ, hằng năm, UBND TP rà soát, trình HĐND TP điều chỉnh danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô