Hàng loạt dự án cải tạo nhà tập thể cũ chậm tiến độ do vướng công tác giải phóng mặt bằng
Có vô số lý do được chính quyền các quận, huyện tổng kết gửi về Thành phố để lý giải cho tình trạng này.
Trong 5 năm qua, Hà Nội đã đền bù giải phóng mặt bằng hơn 2.000 héc-ta, chi trả tiền đền bù cho hơn 44.000 tổ chức, hộ gia đình. Song công tác giải phóng mặt bằng luôn là chủ đề nóng. Việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, cơ quan nào cũng có cái lý khi đưa ra lý do giải thích và tựu chung lại vẫn là do cơ chế, chính sách.
Đề cập đến tình trạng các khu chung cư cũ trên địa bàn không thể thực hiện phương án cải tạo như phê duyệt của Thành phố, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho biết, dù phương án cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công Trứ đã được phê duyệt nhiều năm nay, nhưng do chưa có quy định nhà cũ đổi nhà mới, nên nhiều hộ dân chây ỳ, không muốn chuyển đến nơi ở mới. Cụ thể, các hộ nhà A1, A2 mua nhà theo Nghị định 61 đã được cấp sổ đỏ, hiện chủ nhà không đồng ý di dời, trong khi UBND quận không có căn cứ pháp lý để thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng.
Tại quận Long Biên, người dân đòi hỏi Nhà nước phải có phương án về giá tái định cư rõ ràng mới chấp hành giải phóng mặt bằng, trong khi các quy định hiện hành lại đưa ra điều kiện giải phóng xong mặt bằng mới có giá nhà tái định cư.
Đặc biệt, chính sách bồi thường tại Hà Nội hiện đang gây nhiều bức xúc cho các hộ dân khi quy định 450 m2 đất nông nghiệp thu hồi đầu tiên được đền bù 3 triệu đồng/m2, từ những m2 tiếp theo đó chỉ có 252.000 đồng/m2. Sự chênh lệch quá lớn như vậy khiến nhiều hộ có diện tích vượt 450 m2 không chấp hành giải phóng mặt bằng. Tại nhiều buổi tiếp dân, các hộ dân cho rằng, một m2 đất không đủ một cân thịt bò là quá phi lý. Họ cũng cho biết, việc hộ có nhiều đất được đền bù không nhiều hơn hộ có ít đất bao nhiêu là quá bất cập và khó chấp nhận.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan của Thành phố trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng còn yếu kém. Đơn cử, người dân không muốn chuyển đến các khu nhà tái định cư sinh sống khi chưa có điện, nước đầy đủ, trong khi quy định của ngành nước lại trói chặt rằng, chỉ những khu dân cư nào có 80% hộ dân đến ở mới có cán bộ trực để bơm nước đầy đủ cho dân. Tương tự là các điều kiện quy định về duy tu cải tạo, bảo trì nhà tái định cư.
Định hướng của Hà Nội là trong 2 năm 2012 - 2013 sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho các dự án chủ đầu tư thực hiện dự án và hết năm 2013 sẽ giải quyết dứt điểm giao đất dịch vụ cho dân. Tuy nhiên, nếu những cơ chế, chính sách như vừa kể trên không được xem xét sửa đổi một cách phù hợp hoặc vận dụng đúng tình, đúng lý, kế hoạch trên khó trở thành hiện thực. Khi đó, Hà Nội vẫn sẽ tồn tại những cái gai nhức nhối, cũng như không thể giảm độ nóng của khiếu kiện liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng.