Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc giải quyết các trường hợp đất siêu mỏng, siêu méo, không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng trên các tuyến đường mới mở trên địa bàn TP.
Theo đó, tính đến cuối tháng sáu, toàn TP có 664 nhà, đất siêu mỏng, siêu méo. So với lần thống kê trước đây vào tháng 3-2011, và sau khi TP chỉ đạo xử lý triệt để nhà mỏng, méo, thì hầu hết các quận, huyện đều phát sinh thêm nhà đất mỏng, méo!

Cụ thể, quận Hà Đông có nhiều nhà, đất siêu mỏng, siêu méo nhất với 90 trường hợp. Sau đó là các quận Ba Đình 89 trường hợp, Đống Đa 75 trường hợp, Thanh Xuân 70 trường hợp… và ít nhất là huyện Gia Lâm, 12 trường hợp. Theo chỉ đạo của UBND TP tại Quyết định số 26, các quận huyện đều phải đề xuất phương án xử lý nhà, đất siêu mỏng méo. Tuy nhiên, đến nay, các quận huyện mới chỉ dừng lại ở phương án xử lý như đề nghị thu hồi 155 trường hợp, hợp khối công trình 68 trường hợp, đề nghị giữ nguyên hiện trạng 65 trường hợp… UBND TP đã ban hành Quyết định 15/2011/QĐ-UBND quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường, tạo cơ sở pháp lý để UBND các quận, huyện, thị xã xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.

Hà Nội: Sẽ xử lý 664 nhà mỏng, méo
Việc xử lý nhà mỏng, méo rất nan giải

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP, các quận huyện đều đề xuất phương án, nhưng đều cho rằng, việc xử lý không hề đơn giản. Như tại quận Thanh Xuân, đơn vị thực hiện thí điểm từng đề xuất cho hợp khối hoặc làm ki ốt đối với 20 công trình, thửa đất; thu hồi để mở rộng ngõ, mở rộng vỉa hè, trạm tuần tra công an phường và làm bảng tin… Tuy nhiên, nhiều mảnh đất có cho hợp khối cũng không ổn vì hợp khối lại vẫn là nhà siêu mỏng, siêu méo vì có chiều rộng hoặc chiều sâu quá nhỏ.

Do đó, nhiều người cho rằng, nên thu hồi lại những mảnh đất này rồi giải quyết cho những hộ đằng sau. Mà để làm việc này, thì vấn đề bồi thường lại khá nan giải, chủ những mảnh đất siêu mỏng, méo này không dễ đồng tình với mức đền bù thông thường, còn việc vận động người dân bán lại cho các hộ phía sau thì không phải chủ hộ phía sau nào cũng có nhu cầu, và cũng có tiền để mua được…

Rõ ràng, không phải "bỗng dưng" mà có những nhà siêu mỏng, siêu méo, mà đây chính là hậu quả của việc quy hoạch xây dựng các công trình công cộng thiếu đồng bộ, đặc biệt là sự buông lỏng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Nhiều khu vực cho thấy, khi giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng đã không lường hết ngoài phần đất mình lấy đi, số còn lại sẽ có hình thù thế nào.

Từ những căn nhà, mảnh đất vài chục mét, để phục vụ cho mở đường, xây dựng các công trình, có thể chỉ còn lại vài ba chục mét, thậm chí là vài mét. Nhiều hộ vốn đang kinh doanh, buôn bán ổn định trước đây, đã tranh thủ sự buông lỏng trong quản lý của các cấp chính quyền, tiếp tục xây dựng để kinh doanh, tận dụng lợi thế mặt tiền.

Những điều đáng bàn hơn là sau khi UBND TP đã có chỉ đạo quyết liệt xử lý nhà mỏng, méo thì sau gần ba tháng tiếp tục thống kê, rà soát lại số lượng, lại phát sinh thêm "số liệu " mới. Điều này chứng tỏ, vẫn có sự buông lỏng quản lý trong xây dựng! Bởi vậy, trước khi giải quyết được các nhà đất mỏng méo đang tồn tại, UBND các quận huyện cần làm tốt chức trách của mình để không phát sinh trường hợp mới, và có chế tài phạt nặng những đơn vị để phát sinh nhà mỏng méo.

Vì, để khắc phục nhà mỏng, méo, thành phố xác định phải chi hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, với loại nhà mỏng méo hình thành trước Quyết định 26/2005/QĐ-UBND, mức đền bù khi thu hồi sẽ theo giá tại thời điểm lập dự án giải phóng mặt bằng mở đường. Với diện tích hình thành sau năm 2005, sẽ áp dụng mức đền bù hiện hành.
Theo Hải Lý (Pháp Luật & Xã Hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.