Theo Sở Xây dựng, thành phố có 394 trường hợp nhà siêu mỏng, đã thực hiện xong các bước phân loại, vận động ký cam kết hợp khối, hợp thửa. Tuy nhiên, mới có 2 trường hợp đồng tình hợp khối.
Tại cuộc họp Sở Xây dựng ngày 10/8, đại diện nhiều quận huyện bày tỏ khó thuyết phục người dân hợp khối mảnh đất siêu méo. Ông Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch quận Hai Bà Trưng cho biết, người dân thường bán mảnh đất có giá cao cho nhà lân cận, còn nhà bên cạnh thì trả ép giá nên việc hợp khối rất khó. 3-4m2 đất mặt phố có giá thị trường bằng mấy trăm m2 đất ở quê nên người dân quyết tâm giữ đất, xây tạm cửa hàng để kinh doanh.
Ông Tuấn cũng cho rằng, cấp quận không thể thu hồi đất siêu mỏng vì phải bám theo quy hoạch. Hiện quận Hai Bà Trưng còn 8 nhà siêu mỏng chưa giải quyết được.
Nhà siêu mỏng xây kiên cố ở mặt phố. Ảnh: Khánh Huyền. |
Theo ông Đặng Hồng Thái, Phó chủ tịch quận Thanh Xuân, sau khi chủ nhà hợp khối, phần diện tích nhỏ 3-4 m2 thường gây méo mó lô đất không thể được cấp phép xây dựng, nếu làm ki ốt cũng không hợp lý. Ông Thái cho rằng, quy trình thu hồi đất siêu méo khá phức tạp, mảnh đất thu hồi phải được Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định, chờ thành phố phê duyệt...
Theo đại diện một số quận, việc thiếu vốn đền bù và quỹ nhà tái định cư để giải phóng mặt bằng cũng gây kéo dài xử lý nhà siêu mỏng. Thậm chí, những mảnh đất nhỏ không đủ điều kiện được tái định cư, nên chủ nhà cương quyết không di dời.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Trần Đức Học khẳng định, nếu người dân không giải quyết hợp khối thì thành phố sẽ thu hồi, khi đó, giá đền bù không thể cao bằng giá bán cho hộ dân lân cận. Lãnh đạo thành phố sẽ thu hồi các mảnh đất sau khi có thẩm định của Sở Tài nguyên Môi trưởng. Tuy nhiên, ông vẫn yêu cầu chính quyền các quận vận động dân hợp khối, phấu đấu đạt 50% số nhà siêu mỏng.
"Các mảnh đất siêu méo được thu hồi có thể tạo răng cưa trên đường phố, song còn hơn trở thành nhà siêu mỏng", Phó giám đốc Sở Xây dựng nói.