Từ 1/7 tới, Luật Đất đai sẽ có hiệu lực thi hành và các cơ quan chức năng đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành luật. Ngay sau khi Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn có hiệu lực, Hà Nội sẽ ban hành chính sách GPMB mới phù hợp với các văn bản này.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB TP. Hà Nội, về công tác này của Hà Nội.

Lâu nay, một trong số các vấn đề bị chủ đầu tư dự án kêu ca nhiều nhất vẫn là giải phóng mặt bằng (GPMB). Ở góc độ Trưởng Ban chỉ đạo của Thành phố về công tác này, ông đánh giá thế nào?

Ông Trương Quang Thiều: Đây là công việc phức tạp và khó khăn.

Thứ nhất, đây là công việc do nhiều cấp, nhiều ngành cùng tham gia tổ chức thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện nên nếu việc triển khai không đồng bộ thì sẽ gây chậm trễ.

Thứ hai, khi lập hồ sơ ban đầu, nếu không chu đáo, đầy đủ thì sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện sau này. Ví dụ, khi lập hồ sơ mà thiếu phần tái định cư, chưa rõ tái định cư ở đâu, phương án tổ chức thực hiện công trình hạ tầng kỹ thuật ra sao, chế độ, chính sách, khối lượng GPMB như thế nào thì sẽ gây chậm trễ, khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ ba là điều kiện GPMB phải được bảo đảm. Tái định cư phải đi trước một bước, nhưng quy hoạch phải rõ ràng, chuẩn xác. Hiện có tình trạng dự án được lập nhưng tái định cư như thế nào thì chưa được bảo đảm.

Ví dụ, ở dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, vấn đề tái định cư chưa hoàn tất hoặc đã có nhưng lại ở xa khu vực dân cư nên người dân không đồng thuận. Do vậy, phải quy hoạch lại, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy trình xây dựng cơ bản, lại bắt đầu từ khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thi công… khiến công tác GPMB bị chậm lại.

Cùng với những lý do trên phải kể thêm rằng GPMB là việc liên quan đến quyền lợi của nhân dân, lợi ích tập thể, cá nhân, nên phải xem xét kỹ càng, dân có ý kiến là phải lắng nghe, xem xét, trả lời, tổ chức thực hiện… nên thời gian cũng bị kéo dài.

Ngoài ra, việc GPMB cũng có yếu tố lịch sử của đất đai. Việc sử dụng đất có quá trình lâu dài, trong khi công tác quản lý từ xưa đến nay có nhiều bất cập, nhất là ở cấp xã. Do vậy, khi xem xét, kiểm đếm phải kỹ càng, kiểm tra lại bất cập trước sau…

Một trong những khó khăn nữa là người dân thường không đồng tình với chính sách đền bù, vì cho rằng quyền lợi của mình chưa được bảo đảm?

Ông Trương Quang Thiều: Quyền lợi của người có đất bị thu hồi thì ai cũng muốn tốt hơn, chúng tôi cũng vậy, để vừa giúp được người dân, vừa để việc GPMB thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều đó có liên quan đến cơ chế, chính sách. Chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm quyền lợi tốt nhất có thể cho nhân dân.

Công tác GPMB các dự án lớn đang triển khai ở Hà Nội có còn vướng mắc không, thưa ông?

Ông Trương Quang Thiều: Nhìn lại các dự án trọng điểm ở Hà Nội, có thể nói rằng, đến nay, khối lượng GPMB tương đối tốt. Có được điều đó là do Thành phố đã phối hợp tốt với các cơ quan chủ quản, chủ dự án, coi GPMB là khâu quan trọng.

Với các dự án cụ thể, như Nhà ga hàng không T2 Nội Bài có thể coi là xong. Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Quốc lộ 3 Hà Nội-Thái Nguyên, đường dẫn cầu Nhật Tân lên nhà ga T2 Nội Bài cũng gần xong. Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng giai đoạn 1 đã xong; giai đoạn 2 còn 2 hộ dân và Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không không quân).

Xin ông cho biết chính sách sắp tới về GPMB của thành phố Hà Nội?

Ông Trương Quang Thiều: Từ 1/7 tới, Luật Đất đai sẽ có hiệu lực thi hành và các cơ quan chức năng đang xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành luật này. Ngay sau khi Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành, Hà Nội sẽ ban hành chính sách GPMB mới phù hợp với các văn bản này. Chắc chắn chính sách mới phải bảo đảm quyền lợi cho người dân, phù hợp với thực tiễn, kế thừa những điểm tốt của các quy định cũ…

Nhân đây, tôi cũng có một vài kiến nghị, đối với các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA) và các dự án quan trọng khác phải lập phương án tổng thể GPMB, phải cơ bản GPMB trước, tạo quỹ đất sạch, mặt bằng sạch.

Thứ hai là khi ký kết các hiệp định, các nguồn vốn phải có kế hoạch cụ thể, kỹ càng để tốc độ tiến độ thi công không bị ảnh hưởng.

Các nhà tài trợ nước ngoài phải có mặt bằng sạch, họ mới làm. Trong khi đó, ta cứ ký hợp đồng vay vốn trước rồi hứa ngày này ngày kia bàn giao mặt bằng, dẫn tới khi GPMB không đúng như tiến độ đã cam kết làm tăng chi phí…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.