Khu nhà ở cho sinh viên tại Khu đô thị Mỹ Đình 2. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên hiện còn thiếu khoảng 1.000 tỷ đồng; việc huy động nguồn lực để xây dựng nhà ở cho công nhân cũng hạn chế, đặc biệt, công tác quản lý, vận hành sau khi đưa vào sử dụng còn yếu kém.
Một số chủ đầu tư thực hiện dự án chậm, trong khi nhiệm vụ thanh-kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan quản lý Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức.
Để khắc phục những tồn tại này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành liên quan và chủ đầu tư phải tích cực phối hợp, tập trung đề xuất các phương án giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.
Đối với các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, Nhà nước và thành phố đã có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, do vậy, chủ đầu tư phải cam kết cụ thể thời hạn khởi công, hoàn thành và công khai tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, báo cáo thành phố trong tháng Tám này. Tới đây, dự án nào chậm triển khai, thành phố kiên quyết thu hồi và giao cho chủ đầu tư khác có đủ năng lực, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của chủ đầu tư các dự án nhà thu nhập thấp. Cụ thể là giá bán, cho thuê, cho thuê-mua; đối tượng mua, thuê-mua; các điều khoản ký kết trong hợp đồng mua bán; chất lượng xây dựng cũng như công tác quản lý, khai thác, sử dụng nhà ở xã hội.
Đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, thành phố chỉ đạo phải nhanh chóng hoàn thiện 5 đơn nguyên dự án Mỹ Đình II và 4 khối nhà tại dự án Pháp Vân-Tứ Hiệp để kịp thời phục vụ năm học mới 2014-2015. Đồng thời, các sở, ngành và chủ đầu tư dự án này cần đề xuất phương án bố trí nguồn vốn bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ còn thiếu để sớm hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội rà soát tổng thể nhu cầu sử dụng nhà ở cho công nhân sao cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và các năm tiếp theo; đề xuất cơ chế khuyến khích đẩy mạnh loại hình nhà ở này, báo cáo thành phố trong tháng 9/2014.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 34 dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương, đầu tư dự án (trừ các dự án đã đưa vào sử dụng) đang triển khai thực hiện. Trong đó, có 6 dự án ký túc xá sinh viên; 5 dự án nhà ở công nhân; 23 dự án nhà ở thu nhập thấp, tương đương 21.412 căn hộ (kể cả các dự án nhà ở xã hội được chuyển đổi từ nhà ở thương mại).
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy, hầu hết các dự án nhà ở cho sinh viên, cho công nhân thuê đều bị chậm tiến độ, nhiều dự án phải tạm dừng vì thiếu vốn. Một số dự án nhà ở thu nhập thấp cũng triển khai quá chậm do vướng giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư.
Điển hình như dự án đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp với gần 1.700 căn hộ tại Khu đô thị mới Thanh Lâm, Đại Thịnh của Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD); dự án tại ô đất CT3, CT4 Khu đô thị mới Kim Chung (Đông Anh), khoảng 1.500 căn hộ của Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội; dự án N07-1 và N07-2 (quỹ nhà 50%) thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng của Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội…/.
-
eMagazine: “Cơn khát” nhà giá rẻ sắp được giải toả?
Nhà ở xã hội, phân khúc đáp ứng nhu cầu của rất đông người dân tại các thành phố lớn, đang nóng trở lại với sự hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của các doanh nghiệp bất động sản lớn....
-
Nhà ở cho công nhân nhưng rất ít công nhân mua được, Bộ Xây dựng nói gì?
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri với nội dung hiện nay rất ít người lao động thu nhập thấp mua được nhà ở công nhân do giá bán cao và công nhân không đáp ứng được những quy định về vay vốn, về điều kiện được mua....
-
Doanh nghiệp đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ngày 1/8, doanh nghiệp đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.