Sáng nay 18-4, UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành bàn các biện pháp nhằm bảo đảm việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng (GPMB) kịp thời đúng tiến độ với các dự án quan trọng trên địa bàn TP. Đây là một bước có tiến trình triển khai quy định về GPMB theo Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2013.

Tránh hành chính hóa khi thu hồi đất

Trình tự thủ tục thu hồi đất GPMB hiện hành đã giảm thiểu được một phần tình trạng dự án “treo”. Quy định cho phép chỉ ban hành một Quyết định thu hồi đất cho các thửa đất theo thẩm quyền đã làm rõ hơn về thời điểm thu hồi đất để áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên khối lượng còn tồn tại chưa GPMB được là khá lớn trong khi tiến độ yêu cầu phải hoàn thành rất khẩn trương và cấp bách. Kế hoạch GPMB tại các dự án trọng điểm đều phải trình xin “lùi” thời hạn hoàn thành nhiều lần.

Để cải cách thủ tục hành chính nâng cao vai trò trách nhiệm thực hiện của các cơ quan tổ chức trong thu hồi đất GPMB, UBND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó chú trọng đến hai biện pháp về việc ban hành Quyết định về chủ trương thu hồi đất (làm căn cứ pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác GPMB) và phân kỳ thu hồi đất, giao đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với các dự án đầu tư quan trọng.

Ông Trương Quang Thiều, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho hay, Hà Nội hiện có nhiều dự án quan trọng của Trung ương và TP nên vấn đề giải pháp về trình tự thủ tục GPMB cần quan tâm. Nên căn cứ vào quy hoạch để ra Quyết định chủ trương thu hồi đất làm căn cứ pháp lý để GPMB.

Theo đại diện Bộ Tài chính, vấn đề thu hồi đất rất phức tạp nên Hà Nội phải nhấn mạnh đến giải pháp tuyên truyền vì người dân nhận thức đúng mới làm được”. Việc ban hành Quyết định chủ trương thu hồi đất cũng cần cẩn trọng không để các văn bản “triệt tiêu” nhau. Quyết định về chủ trương thu hồi đất có thể rút ngắn quy trình thực hiện dự án nên cần xin phép để Hà Nội có thể phân cấp thu hồi đất cho quận, huyện “đồng hạng” cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Bên cạnh đó tránh “hành chính hóa” khi thu hồi vì dự án cho TP và trung ương có nguồn kinh phí khác nhau, dễ dẫn đến khó thống nhất khi trên cùng địa bàn nên cần đưa ra giải pháp hợp lý. Không thể có chuyện người dân đồng ý 100% với phương án đền bù.

“Giải pháp phân kỳ là cần thiết vì không thể thực hiện cùng một lúc cả dự án nhưng ai là người có thẩm quyền phân kỳ? Phân kỳ bằng ý kiến chỉ đạo hay quyết định hành chính vì gắn với việc bồi thường, nếu không làm rõ dễ sinh khiếu kiện”, đại diện Bộ Tài chính nói.

Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) thì cho rằng giải pháp phân kỳ dẫn đến giá đất “chồng lên nhau, khác nhau”. Phân kỳ không đồng bộ trong đền bù là cơ sở cho khiếu kiện, giai đoạn sau thường phức tạp hơn giai đoạn trước do đó phân kỳ ít là tốt nhất.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, các giải pháp mà Hà Nội đề xuất chủ yếu phải giải quyết trường hợp người dân “không hợp tác”. Vấn đề không phải trình tự mà lợi ích của người bị thu hồi đất và bộ máy thực hiện.

Dân không nhận, tiền đền bù chuyển kho bạc

Trả lời về những vấn đề thắc mắc của các Bộ ngành, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, thực tế trong công tác GPMB cứ ra thông báo thu hồi đất là dân phản ứng. Đối với các dự án có vị trí đắc địa người dân phản ứng ngay từ đầu, không hợp tác, không cho chuyển đến, cho rằng thông báo không phải văn bản pháp quy, không thể làm căn cứ pháp lý cho việc thu hồi đất GPMB.

Vì thế nên cho UBND TP ban hành Quyết định chủ trương thu hồi đất đối với từng dự án cụ thể. Quyết định này chỉ là quyết định tổng thể về chủ trương và biện pháp về thu hồi đất còn Quyết định thu hồi đất do UBND các cấp ban hành theo thẩm quyền mới là căn cứ để tính thời điểm thu hồi đất và các vấn đề liên quan. “Nếu chúng ta không có Quyết định chủ trương thì những dự án cứ “nhùng nhằng”, dân cứ “đấu” với chính quyền, gây khó khăn, vướng mắc trong thu hồi đất, GPMB”, ông Khanh nói.

Dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn thủ đô là những dự án được UBND TP lựa chọn, trình HĐND quyết định hàng năm. Việc triển khai bảo đảm không được trái luật nhưng TP nên được quyền có qui định khác với các văn bản dưới luật về thu hồi đất cho các dự án quan trọng.

Thực tế hầu hết các dự án giao thông liên quan đến nhiều quận huyện, UBND TP đã phải “linh động” dùng công văn thống nhất ý kiến của các Bộ để phân kỳ dự án. Ông Khanh cho hay, nếu không cẩn thận là sẽ bị lợi dụng nên chỉ UBND TP mới có quyền phân kỳ, không để cấp cơ sở phân kỳ chì vì khó khăn trong GPMB.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, về vấn đề đền bù, khi lên phương án, công bố công khai mà người dân không quan tâm thì căn cứ vào dự án để chi trả đền bù. Nêu công khai phương án có người dân không quan tâm, không có ý kiến gì thì vẫn tiến hành theo phương án. Nếu đến thời hạn, đã làm hết cách thì cứ chuyển tiền đền bù vào kho bạc. Lỗi của ai thì người đấy chịu.

Hà Nội phải cải cách hành chính triệt để có lợi cho dân nhưng phải thúc đẩy GPMB, không chỉ “nhè vào dân”, không rút ngắn bất kỳ thời gian đã được qui định mà chỉ thực hiện tối đa giảm số ngày xử lý trong nội bộ các cơ quan. Nếu không có ý kiến về giảm số ngày thì đến ngày là chấm dứt, và phải tự chịu trách nhiệm. Dự án quan trọng là Ban chỉ đạo họp cùng các ngành quyết luôn, không đợi từng đầu mối trả lời, gửi lòng vòng xin ý kiến rất mất thời gian.

Hương Nguyên (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.