Vùng ngoài đê Hà Nội là rẻo đất nằm kẹp giữa con đê song song đường Hồng Hà và bờ sông Hồng. Phía bờ bên kia, tức thuộc địa phận quận Long Biên, cũng có đê, cũng có rẻo đất ngoài đê nhưng người Hà Nội chỉ sử dụng khái niệm “ngoài đê” cho bờ bên này. Ấy có lẽ là do thói quen!

Lịch sử của một vùng đất luôn gắn với lịch sử cư dân của nó. Ban đầu, đất ngoài đê quanh năm lụt lội. Dân ngoài đê gần như tất thảy là người ngoại tỉnh đói kém tìm về Hà Nội kiếm ăn. Ăn còn chẳng đủ, nghĩ gì đến chuyện mua nhà định cư. Vì thế, đất ngoài đê vốn vô chủ trở thành nơi cư ngụ của họ.


Cũng thời đầu ấy, dân ngoài đê thường bị coi là tầng lớp “khố rách áo ôm”. Đất ngoài đê luôn gắn với cảnh tăm tối, là nơi hội tụ của những tệ nạn khốn cùng.


Hà Nội ngoài đê


Hòa bình lập lại, rồi thủy điện Hòa Bình được xây dựng, mươi, mười lăm năm, đất ngoài đê mới phải chịu cảnh ngập lụt một lần. Mà cũng không còn cảnh trắng xóa. Năm nào nước cao nhất thì cũng chỉ lưng nhà. Tức là, nhà nào cao hoặc có gác thì vẫn tồn tại được. Cũng bởi thế, sau này có tiền có của, đặc trưng nhà ngoài đê là móng cao hơn hẳn mặt đường hàng chục phân.


Hòa bình lập lại, quyền sở hữu đất ngoài đê cũng được phân bố lại. Ngoài dân ngụ cư, giờ có thêm nhiều cán bộ, công nhân viên Nhà nước ra sinh sống. Cùng đó, còn có không ít dân trong phố vì điều kiện khó khăn chật chội nên cũng tìm cách chuyển ra ngoài đê. Vậy là, “khoảng cách” giữa trong đê và ngoài đê xích lại ít nhiều.


Trong đê và ngoài đê, chỉ cách nhau một con đê, nhưng rõ ràng vẫn là hai thế giới khác nhau. Trong đê là tiếp giáp với phố cổ, nhiều dân Hà Nội gốc, nên tính cách thuần nhất hơn. Ngoài đê, mười phần thì chín phần rưỡi là dân khắp nơi về định cư. Thành phần cư dân đa dạng, dẫn đến tính cách cũng đa dạng hơn.


Tính cách ngoài đê, trước hết thể hiện ở những ngôi nhà. Thú thực, mỗi khi bước chân vào một con hẻm ngoài đê, luôn thấy gai gai người. Hẻm nào cũng hẹp vanh vanh, tối om om, có cái chỉ vừa một xe máy, đi vào ban ngày cũng phải bật pha. Chẳng những thế, hình như cả cái đất ngoài đê, không có con hẻm nào thẳng. Đó là hậu quả của thói bon chen quyết liệt trong điều kiện đất đai chưa được quản lý chặt chẽ. Nhà tham thì cố nới thêm ở tầng một, lên tầng hai cơi ra hết cỡ, che kín cả giời. Vài nhà “biết điều” xây thụt vào vài chục phân để lấy chỗ quay xe.


Đất chật, người đông, va chạm về “quyền sử dụng đất” xảy ra như cơm bữa, cãi nhau choe chóe cả ngày.


Đất ngoài đê vốn nổi tiếng là nơi cư ngụ của nhiều thành phần bất hảo. Thế nhưng cũng lạ, nơi ấy, chẳng mấy khi mất cắp bao giờ. Cho dù, nhà cửa san sát, nhà nọ bước qua trần sang nhà nhau dễ như bỡn. Xe máy thì để đầy ngoài ngõ từ sáng đến tối đêm. Có người nhớ nhớ, quên quên còn để xe qua đêm cũng chẳng thấy mất. Thậm chí, có những nhà rất giàu, xe ô tô BMW X6 để chình ình trước cửa.


Cuộc sống khá lên rồi, con người ta cũng văn minh hơn!

Theo Hồng Hà (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.