Hà Nội xấu xí vì nỗi xấu hổ của Hà Nội là nhà siêu mỏng siêu méo mãi vẫn chưa giải quyết được triệt để; Hà Nội triền miên tắc đường và ngập lụt; nhiều người thiếu nhà để ở nhưng Hà Nội vẫn nhiều nhà hoang, khu đô thị hoang. Hà Nội còn có nguy cơ thành đại công trường khi 540 đồ án, dự án được triển khai vì Quy hoạch chung Hà Nội đã được thông qua…

Lỗi của các kiến trúc sư?

Giải thích vì sao Hà Nội tắc đường, ngập úng, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh chia sẻ, nguyên nhân có nhiều nhưng ở góc độ kiến trúc sư, trách nhiệm họ rất cụ thể. Các KTS vẽ rất nhiều đồ án quy hoạch đô thị hay kiến trúc công trình. Phần lớn họ không đủ can đảm trình bầy là nên dành ra một không gian nào đó để trữ nước điều hòa khi mưa lớn. Hay trên lô đất xây dựng, nên dành ra một tỷ lệ nào đất vườn dành cho thấm nước. Ngay cả lúc này, khinội thành chật cứng người xe, các KTS vẽ ra công trình, các KTS quản lý kiến trúc quy hoạch thành phố vẫn buông tay vẽ ra và ký duyệt 100% nhà cao tầng mới,xây trên toàn bộ đất trung tâm.


Hà Nội mỗi ngày thêm xấu xí, vì sao?

Nhìn từ trên cao, Hà Nội đang tồn tại không theo bất cứ một quy tắc hay tiêu chuẩn kiến trúc nào. Ảnh: L.Nguyên


Ông Ánh cho rằng, không cần điđâu xa chỉ cần xem Hà Nội xưa xây khu Bách Khoa (tên cũ là Việt Nam học xá), cả khu đất ruộng trũng làng Bạch Mai, Đồng Tâm được san lấp để lại lạch nước nhỏ thoáy nước vào sông Sét. Nhưng ở giữa khu Bách Khoa là sân vận động rộng hơn 2 ha làm trũng sâu so với mặt đường gần 2m, bốn mặt sân là bờ vát trồng cỏ. Khi khô ráo, bờ vát là ghế ngồi xem mọi người thi đấu thể thao, khi mưa to, toàn bộ sân là hồ thoát nước, nền sân đất làm nước thấm một phần, giảm khối lượng nước thoát vào cống thành phố, đảm bảo các con đường nền nhà quanh đó vẫn khô ráo. Mỗi tòa nhà ở lớn cómột sân trũng như thế, mỗi khu đô thị có cái sân lớn như thế, mỗi ngôi nhà nhỏ có mảnh vườn thấm nước thì Hà Nội đỡ úng ngập nhiều lắm. Khi khô ráo những nơi này con trẻ nô đùa, người già dạo mát, không gian sinh sống cho cư dân Hà Nội sẽ đẹp đẽ và hạnh phúc lắm. Nhưng các KTS có can đảm vẽ và bảo vệ hết lòng vì một ý tưởng nhỏ ấy không?

Câu hỏi này thực sự không khó trả lời nếu trách nhiệm cộng đồng được mọi người cùng xây dựng. Việc nhận lỗi yếu kém để khắc phục cũng không phải là thứ quá xa xỉ và là điều không thể làm của những người có trách nhiệm của Hà Nội. Trong bài phát biểu kết thúc kỳ họp hội đồng nhân dân Hà Nội vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã khẳng khái nói: Đầu tư hạ tầng chậm triển khai, thiếu trường học, công viên cây xanh, đường giao thông, xử lý nước thải, thông tin liên lạc..thậm chí nhà đã sử dụng vài năm nay nhưng không có đường vào… là thực trạng của các khu đô thị mới hiện nay. Để chấn chỉnh thực trạng này, trong thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ xem xét đưa ra các chế tài đủ mạnh để khu đô thị đúng là đô thị.


Hà Nội mỗi ngày thêm xấu xí, vì sao?

Tắc đường là một đặc sản ở Hà Nội, bởi không chỉ có giờ cao điểm, đường có thể tắc bất cứ lúc nào. Lý do vì lòng đường quá chật, lại phải gánh cả nhiệm vụ của vỉa hè vì vỉa hè đã được trưng dụng để mở cửa hàng... Ảnh: L.Nguyên.


Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, ở các khu đô thị mới hoặc các khu dân cư, khi lập quy hoạch đều tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành nhưng quá trình thực thi, nhiều nhà đầu tư muốn thu hồi vốn nhanh, nên đầu tư nhà ở để bán trước. Mặt khác, chủ đầu tư dự án đô thị mới thường không có kinh nghiệm hoặc không chuyên sâu. Ông Thảo cho rằng việc thiếu thốn hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới thành phố đã kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư nhưng do nhiều lý dó cả khách quan, chủ quan: do chủ đầu tư, do công tác quản lý, do cơ chế, chính sách nên vẫn chưa chuyển biến mạnh.

Theo ông Thảo, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý, tới đây UBND thành phố sẽ xem xét đưa ra các chế tài đủ mạnh đảm bảo làm sao mỗi khu đô thị mới khi đưa vào sử dụng đáp ứng đầy đủ cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Lỗi của nhà quản lý

Theo báo cáocủa UBND TP. Hà Nội, trong tổng số 785 đồ án, dự án trên địa bàn Hà Nội (chiếm quy mô đất đai gần 77.000 ha) được đưa vào diện rà soát, sau đợt 1 với 244 đồ án, dự án được “cởi trói”, số còn lại là trên 540 đồ án, dự án “nín thở” chờ đợi trong rà soát đợt 2. Số đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trong đợt 2 sẽ được phân thành 2 nhóm: tiếp tục triển khai hoặc phải tạm dừng để tiếp tục rà soát, đề xuất trong các đợt tiếp theo.

Nhưng, có một thực tế là nhiều dự án đang nín thở chờ đợi lại đi chào bán công khai trên thị trường. Ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết về nguyên tắc, các dự án đang chờ rà soát không được bán ra thị trường, nếu doanh nghiệp nào bán là vi phạm. Nhưng, cũng có một thực tế là Sở Quy hoạch Kiến trúc không thể quản lý được việc các doanh nghiệp có bán hàng ra thị trường hay không. Trách nhiệm này thuộc về địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác.


Hà Nội mỗi ngày thêm xấu xí, vì sao?

Một kiểu nhà đặc trưng chỉ có ở Hà Nội. Ảnh chụp trên đường 32. Ảnh: L.Nguyên


Cũng tương tự như việc để tồn tại quá nhiều nhà hoang ở Hà Nội, trách nhiệm không thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc, nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn một phần vì ý thức của người dân, nhưng phần khác vì sự lơi lỏng của chính quyền địa phương.

Tính đến thời điểm này, thời điểm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã ít nhất 3 lần được lùi đi lùi lại, nhưng nhà siêu mỏng siêu méo vẫn tồn tại như một sự thách thức lớn lao đối với chính quyền địa phương. Dọc trục đường 32, con đường đau khổ nhất hành tinh, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn mọc lên mà không có sự can thiệp nào từ chính quyền địa phương.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, một thành phố muốn đẹp thì phải có sự chung tay của tất cả các cư dân thành phố, không một KTS tài năng nào có thể làm thay mấy triệu cư dân được. Muốn cả thành phố chung tay thì mỗi công dân phải biết nhiệm vụ cụ thể của họ là gì, nếu họ tích cực thì họ sẽ nhận được gì.

“Đã từng có những nay đẹp đẽ như vậy từ những năm 1960, cả thành phố ăn cơm nhà đi đào hồ, gánh đất làm ra công viên Thống Nhất, đường Thanh Niên… Thời nay cũng vậy. Nếu như tất cả các dự án đô thị được minh bạch: đất thành phố giao cho ai, cư dân thành phố được lợi gì? Các công trình xây dựng mới xây bằng gì hết bao nhiêu, kiểm soát thế nào? Người dân cần góp gì, có được thảo luận bình đẳng không, các ý kiến của các chuyên gia có được tôn trọng không…”, KTS Ánh nói.

Theo Lam Nguyên (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.