Tôi đồng ý và rất chia sẻ với những phát biểu đầy tâm trạng của ông Nguyễn Khánh Xuân - nguyên Viện phó Viện Khoa học lâm nghiệp (trên báo Lao Động số 162 ra ngày 16.7) - người đã cùng với các nhà khoa học giúp cho thành phố xây dựng nên khu vườn thực vật Hà Nội. Cần nhắc lại là mục tiêu xây dựng vườn thực vật Hà Nội và vườn quả Từ Liêm được quy hoạch và xác định rất rõ ràng là nhằm xây dựng giữa lòng thủ đô một công viên sinh thái nông nghiệp - nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gene các loài thực vật quý hiếm; tạo cảnh quan môi trường sinh thái phục vụ đời sống, nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân thủ đô. Và thực tế hiện hữu đã chứng minh cho ý tưởng độc đáo này.
Xin ông nói rõ hơn về quá trình
triển khai xây dựng công trình này. Vì sao thời điểm ấy thành phố lại
chọn xây dựng vườn thực vật Hà Nội và vườn quả Từ Liêm ở khu vực này?
Khi phê duyệt công trình, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội có tính đến các yếu tố
như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong tương lai…
- Tôi cho rằng khi xây dựng công trình này lãnh đạo thành phố và các nhà
khoa học, các sở, ban ngành liên quan đã tính toán và cân nhắc hết sức
cẩn trọng với tầm nhìn khoa học và mục tiêu hướng tới tương lai. Hàng
chục cuộc hội thảo đã được tổ chức, lãnh đạo thành phố và các nhà khoa
học luôn trăn trở... Việc chọn khu vực xã Minh Khai, huyện Từ Liêm là đã
tính tới định hướng phát triển thành phố về hướng tây; hơn nữa quy
hoạch và định hướng quy hoạch khu vực này là vành đai xanh.
Chính vì vậy mà ngân sách thành phố đã đầu tư nhiều chục tỉ đồng, nhiều
nhà khoa học, nhiều chuyên gia đã lao tâm khổ tứ lặn lội khắp các khu
rừng để đưa về khu vườn trên 400 loài thực vật quý hiếm. Thực tiễn phát
triển đang khẳng định khu vườn đang làm đẹp, làm phong phú thêm đời sống
đô thị của thủ đô.
Vậy, ông thấy sao khi Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trịnh Duy Hùng mới
đây đã ký văn bản đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của hai Cty xin
chuyển khu vườn thực vật Hà Nội đi nơi khác để làm đô thị?
- Tôi vô cùng bàng hoàng trước thông tin này. Tôi không biết đây là ý
kiến của tập thể Ban Cán sự Đảng UBND TP hay ý kiến của cá nhân đồng chí
phó chủ tịch ký... Nhưng dù đó là ý kiến của ai, cá nhân nào và vì mục
đích gì..., tôi cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo thành phố phải hết
sức cân nhắc, không nên lấy đất của vườn thực vật Hà Nội và vườn quả Từ
Liêm làm đô thị sinh thái. Thực tế cho thấy, Hà Nội đang có nhiều các
khu đô thị mà ở đó quỹ đất, hạ tầng còn bỏ hoang... còn nội đô thì ngày
càng thiếu hụt không gian xanh. Phải mất biết bao công sức, thành phố
mới xây dựng được vườn thực vật - khu vườn ấy mới hoàn thành năm 2009
đang là minh chứng cho sự phù hợp với quy hoạch, phù hợp với nhu cầu
nghiên cứu khoa học, nhu cầu dân sinh của đại đa số người dân..., thì
không có lý gì lại chuyển nó thành đô thị sinh thái.
Nhưng thưa ông, DN lấy lý do là việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội đã
làm biến đổi quy hoạch khu vực này. Hơn nữa họ cho rằng DN không có kinh
phí để duy trì vườn, cốt nền của khu vườn lại thấp nên cần chuyển đi
nơi khác để làm đô thị? Và thành phố đã đồng ý với lý lẽ đó.
- Nói như vậy là không có căn cứ. Dù bất kỳ giai đoạn lịch sử, phát
triển nào, dù thành phố có sáp nhập hay không sáp nhập, dù to hay nhỏ
thì vẫn luôn cần những không gian xanh, những công viên xanh. Bất cứ đô
thị nào, thủ đô nước nào mang định hướng phát triển gì cũng cần yếu tố
đó. Thực tiễn phát triển của thủ đô cho thấy, quy hoạch xanh chưa hề
thay đổi. Nếu các vùng xung quanh Từ Liêm đều đã là khu đô thị thì việc
gìn giữ giữa lòng nó một vườn thực vật và vườn quả Từ Liêm - công viên
sinh thái - lại càng có ý nghĩa và quan trọng.
Thực tế, đây là khu đất rất tốt, trước đây thành phố bố trí làm trại sản
xuất rau quả của Hà Nội mang tên trại rau Bungari nên không thể nói là
cốt nền thấp, đất xấu được. Càng không thể lấy khái niệm đô thị sinh
thái để ngụy tạo cho việc vẫn còn giữ được thảm xanh. Tính cộng đồng ở
đâu? Khi mà ngân sách nhà nước và tâm huyết của thành phố bỗng dưng bị
gói lại cho một nhóm người - chủ sở hữu của các biệt thự, nhà vườn
khoanh vùng chiếm hưởng. Nếu với tư duy này thì các khu vườn như vườn
Bách Thảo (Hà Nội), Thảo Cầm viên (TPHCM) được xây dựng từ thời Pháp
liệu có còn để đến hôm nay các thế hệ trân trọng và thấy hết giá trị?
Việc giao vườn thực vật Hà Nội cho một Cty kinh doanh quản lý dường
như cũng chưa hợp lý? Dễ biến vườn thành những ý tưởng đô thị vì thiếu
kinh phí để duy trì vườn?
- Trước đây, thành phố đã có định hướng xây dựng khu vườn thực vật Hà
Nội và vườn quả Từ Liêm thành công viên sinh thái nông nghiệp. Định
hướng đúng đắn ấy cần được gìn giữ và phát triển. Vì mục đích dài lâu,
xây dựng và gìn giữ cho con cháu mai sau, đề nghị UBND TP cần cân nhắc
giao cho một đơn vị hoạt động công ích như Cty công viên cây xanh bảo
quản và phát triển. Tránh vì lợi ích kinh tế trước mắt mà làm biến dạng
khu vườn.
- Xin cảm ơn ông!