14/05/2012 2:04 PM
Hà Nội kiến nghị nhiều giải pháp xử lý, đẩy nhanh tiến độ dự án bất động sản sau khi nhận nhiều lời “hứa suông” từ phía chủ đầu tư nước ngoài.

Dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Nội được cấp phép từ tháng 11/2006 hiện vẫn ngổn ngang. Ảnh: HQ

Đăng ký nhiều, giải ngân chẳng là bao

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP. Hà Nội có 95 dự án bất động sản có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với vốn đầu tư đăng ký là 9,58 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn đầu tư được giải ngân trên thực tế chỉ là 3,28 tỷ USD (hơn 34%). Trong số tiền 1,8 tỷ USD mà các dự án bất động sản có vốn FDI nộp ngân sách trong các năm 2008 – 2010, thì phần lớn là của các dự án đầu tư vào khu công nghiệp. Phần đóng góp vào ngân sách Thành phố từ các dự án đầu tư bất động sản khác, như nhà ở, khu đô thị, sân golf là không đáng kể.

Ông Khôi cho biết, xét về tiến độ xây dựng, chỉ có một số dự án quy mô diện tích nhỏ là đảm bảo tiến độ, còn lại phần lớn các dự án đều có tiến độ chậm hơn so với quy định. Một số chủ đầu tư sau khi nhận mặt bằng, tiếp tục trì hoãn triển khai; nhiều chủ đầu tư cố tình thực hiện sai quy hoạch đã được duyệt để làm chậm tiến độ dự án.

Điển hình cho các dự án chậm tiến độ là Dự án Chung cư cao cấp của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) tại khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông). Dù được bàn giao mặt bằng từ lâu và tổ chức khởi công từ đầu năm 2007, nhưng đến nay, dự án này… vẫn bất động. Thậm chí qua 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư với hơn 4,3 ha đất sạch có hạ tầng đã giao cho Công ty Booyoung, hiện Dự án này vẫn chỉ là những khu đất cỏ mọc hoang.

Trong số danh sách các công ty có dự án chậm tiến độ một cách “có hệ thống”, phải kể đến Công ty TNHH TSQ Việt Nam (100% vốn Ba Lan) với đại diện là Dự án “Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây” tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Dự án có quy mô 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, với tổng vốn đầu tư 37,6 triệu USD được cấp phép từ tháng 11/2006 đến nay, vẫn hoàn toàn là bãi đất hoang. Công ty TNHH TSQ Việt Nam còn có 1 dự án khác là Khu chung cư Euroland, Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông thuộc diện dự án “tự ý xây dựng sai quy hoạch” đã bị UBND TP. Hà Nội “tuýt còi” vào cuối năm 2011.

Đề xuất các giải pháp xử lý

Theo ông Khôi, trước tình trạng nhiều dự án bất động sản có vốn FDI chậm triển khai, UBND TP. Hà Nội đang kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ sửa quy định tại Điều 5, Nghị định 153/2007/NĐ - CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, nâng tỷ lệ vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư lên mức “không thấp hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt”. Đồng thời quy định rõ về điều kiện, thủ tục chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, gia hạn tiến độ thực hiện dự án; bổ sung quy định chỉ được phép giao thầu cho nhà đầu tư trong nước theo một tỷ lệ không lớn hơn 50% tổng giá trị dự án và quy định điều kiện về việc thực hiện chế độ kế toán Việt Nam đối với các nhà thầu nước ngoài.

Thực hiện thống nhất việc trả tiền thuê đất một lần hoặc theo từng năm đối với cả nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài thay vì cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể trả tiền thuê đất 1 lần cho 50 năm hoặc trả tiền thuê đất theo từng năm như hiện nay.

Một vấn đề đáng lo ngại khác tại các dự án bất động sản có vốn FDI là đăng ký 100% vốn nước ngoài, nhưng khi triển khai lại huy động nguồn vốn trong nước.

Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, đến thời điểm này, các tổ chức, cá nhân trong nước đã góp 2,35 tỷ USD vào các dự án bất động sản có vốn FDI. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trong nước cũng đã đổ gần 500 triệu USD vào các dự án bất động sản có vốn FDI dưới các hình thức vay ngân hàng, vay của nhà đầu tư (chiếm 13% vốn đầu tư thực hiện); còn con số huy động từ khách hàng khoảng 463 triệu USD (chiếm 12% vốn đầu tư thực hiện). Như vậy, một lượng vốn đầu tư “nội” rất lớn đã đổ vào các dự án bất động sản “ngoại”.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận xét, vốn FDI có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, song việc thu hút và thực hiện giải ngân nguồn vốn này thời gian vừa qua bộc lộ không ít bất cập.

Một số doanh nghiệp FDI đăng ký dự án đầu tư lớn, được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi, nhưng lại chậm triển khai, chậm giải ngân, thậm chí tìm cách chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án dẫn đến hiệu quả dự án đầu tư ban đầu không cao. Một số khác sử dụng vốn vay, vốn huy động trong nước với tỷ trọng lớn. Điều này hết sức nguy hiểm vì làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa. Trong trường hợp dự án gặp rủi ro, thiệt hại hoàn toàn thuộc về khách hàng và các nhà đầu tư trong nước.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.