Theo thống kê của Bộ Xây dựng tính đến hết tháng 6-2012, trong khi chúng ta đang lãng phí diện tích với 655 biệt thự và 574 nhà liền kề bị bỏ hoang thì Hà Nội vẫn có 597 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo được xây lên để tiết kiệm diện tích. Mặc dù chính quyền thành phố đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 203 trường hợp, nhưng còn gần 400 trường hợp vẫn đang “sừng sững” tạo nên diện mạo méo mó cho thành phố Hà Nội và gây nguy hiểm cho người dân sinh sống tại đây.
Những ngôi nhà có diện tích siêu nhỏ trên các phố thường được tận dụng để làm các cửa hàng kinh doanh đơn giản: Bán báo, bán sim thẻ điện thoại, bán mũ bảo hiểm… Mục đích lớn nhất của các hộ dân này là “giữ đất” để đợi bồi thường cao hoặc ép các gia đình phía sau phải mua với giá như họ mong muốn.
Dạo qua các con phố như: Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Quốc lộ 32, Mai Dịch… bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những ngôi nhà kì dị mang tên “siêu mỏng, siêu méo” với đầy đủ các hình thù từ hình hộp dẹt, hình bình hành, hình tam giác và cả những hình thù méo mó đến nỗi chẳng ra hình gì… Tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, 4-5 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vừa được quét vôi ve hoàn thành; gần đó, tại ngã tư Khuất Duy Tiến với đường Nguyễn Trãi mới hoàn thành cũng san sát nhà siêu mỏng, siêu méo, nhiều căn nhà mặt phố có chiều ngang 2m cũng được xây dựng tới 4-5 tầng, ban công, biển quảng cáo đua nhau lấn chiếm vỉa hè…
Trên tuyến đường 32, đến thời điểm này, mặc dù dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn qua Diễn - Nhổn, nhiều ngôi nhà với hình thù kì dị đã kịp mọc lên. Theo ghi nhận, dọc tuyến đường dài chưa đầy 5 km này, có tới vài chục ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang khẩn trương được xây dựng hoặc mới hoàn thiện chưa kịp đề số nhà. Dọc hai bên đường, rất nhiều ngôi nhà đều thuộc diện không đủ tiêu chuẩn xây dựng, có ngôi nhà chiều sâu chỉ hơn một mét, chiều dài chưa đầy 3m, phía trên được cơi nới ra hai bên, nhìn không khác những “chuồng chim câu” giữa phố.
Kiến trúc ở Hà Nội đang trở nên xập xệ, phi thẩm mỹ hơn bao giờ hết.
“Mỏng” và “méo” vì đâu?
Những căn nhà siêu mỏng, siêu méo đã và đang tồn trại trên khắp thành phố có lý do cho sự ra đời của nó. Rõ ràng những căn nhà này không thể có giấy phép xây dựng, mà chỉ có sự “cho phép” ngấm ngầm của cán bộ thanh tra xây dựng các quận, phường. Vì theo quy định của thành phố thì những khu đất có mặt bằng còn lại sau khi giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch có diện tích nhỏ hơn 15m2; chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m sẽ không được cấp phép xây dựng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã từng khẳng định: Nguyên nhân là do Hà Nội mở đường để phục vụ quá trình phát triển đô thị, giải quyết giao thông. Nhưng khi mở đường, giải phóng mặt bằng, thành phố chưa có phương án cụ thể, đồng bộ để tổ chức xây dựng các mặt phố theo quy hoạch. Đồng thời, quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố cũng chưa có, dẫn đến các công trình bị cắt xén hoặc lô đất còn lại sau giải phóng mặt bằng có kích thước không hợp lí, đã tạo ra các loại nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị, thiếu an toàn đối với người sử dụng.
Những nhà hoạch định kiến trúc Hà Nội hôm nay đã nghĩ gì khi thực tế bây giờ Hà Nội không theo bất kỳ một lối kiến trúc nào hết. Nhìn diện mạo thành phố ngày nay khiến người ta không khỏi liên tưởng đến tư duy “may ô, quần đùi”.
Xây thì dễ nhưng đập đi thì quá khó
Những câu chuyện dở dang ở ta dường như không có hồi kết. Khi xây dựng thì không có quy hoạch. Đã xây dựng lên xây dựng rồi mới nhận thấy rằng đó là sai lầm cần bỏ đi. Lúc bấy giờ thì việc xử lý, đập bỏ đã trở nên khó khăn bội phần. Điều này khiến cho những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo này lại tiếp tục tồn tại như những khu biệt thự “mắt ma” vẫn nằm im lìm hàng năm trời trong lòng Hà Nội.
Về phía lãnh đạo Sở Xây dựng khi đề cập đến nguyên nhân trong việc chậm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo cho rằng: đây là một chủ trương lớn nhằm cải tạo, chỉnh trang bộ mặt tuyến phố đô thị, song một bộ phận nhân dân (đang trực tiếp sinh sống ở các công trình “siêu mỏng, siêu méo”) không ủng hộ chủ trương này. Một số chủ sử dụng đất cam kết thỏa thuận hợp thửa, hợp khối song trên thực tế chậm triển khai thực hiện hoặc gặp khó khăn trong việc thỏa thuận. Có trường hợp, việc phân loại các trường hợp xử lý (trước và sau thời điểm có hiệu lực của Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg) tại một số địa bàn gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch gặp khó khăn về kinh phí thực hiện, về quỹ nhà, đất tái định cư, tạm cư để giải phóng mặt bằng.
Hơn nữa, việc xử lý tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả; còn có biểu hiện né tránh, ngại va chạm. Sự phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các quận, huyện về công tác xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ và thiếu tập trung. Nhìn từ góc độ khác, người dân lại phản ánh: “Thanh tra xây dựng họ “nhạy” lắm, đổ một đống cát ra đường là họ tìm đến ngay. Vậy vì sao, những công trình to đùng, chướng tai gai mắt được xây nên trong một thời gian dài thì không ai để ý và ngăn chặn. Rõ ràng ở đây đã có sự làm ngơ của đội ngũ thanh tra xây dựng. Chả thế mà ở các khu phố, cứ muốn xây, cơi nới thêm cái gì thì đều phải “ra phường” xin xỏ, tổn phí nhiều nhưng không được mang về bất cứ giấy tờ xác nhận gì, chỉ một cái “gật đầu” thôi, thì cứ thế mà xây dựng. Đã đồng ý cho xây rồi ắt người dân cứ thế xây. Bao nhiêu tiền đầu tư vào đấy giờ đập đi biết kêu ai?”
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ hoàn thành việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trong quý 4-2012.Tuy nhiên, để làm được việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố cần phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị trước quỹ nhà tạm cư, tái định cư cần thiết, đảm bảo có ngay quỹ nhà để di chuyển, tạo chỗ ở ổn định cho những hộ gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng do diện tích đất còn lại sau mở đường không đủ điều kiện được phép xây dựng. Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: “Sở Xây dựng sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc, giải quyết vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng nói chung và xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo nói riêng.
Thực chất, một thành phố muốn đẹp thì phải có sự chung tay của tất cả các cư dân, không một kiến trúc sư tài năng nào có thể làm thay mấy triệu cư dân được. Nhớ lại trước đây đã từng có những ngày cả TP Hà Nội ăn cơm nhà đi đào hồ, gánh đất làm ra công viên Thống Nhất, đường Thanh Niên… Thời nay cũng vậy. Nếu như tất cả các dự án đô thị được minh bạch: đất thành phố giao cho ai, cư dân thành phố được lợi gì? Các công trình xây dựng mới xây bằng gì? Hết bao nhiêu, kiểm soát thế nào? Người dân cần góp gì, có được thảo luận bình đẳng không, các ý kiến của các chuyên gia có được tôn trọng không?… Thế nào cũng có nhiều ý tưởng hay cho kiến trúc thành phố đẹp hơn. Nếu như cuộc tranh cãi giữa người dân vẫn tồn tại tức là số phận của đô thị, những ngôi nhà mắt ma và những ngôi nhà siêu mỏng, siêu vẹo vẫn tồn tại ở đó trong sự vô tâm của cư dân thành phố.