Qua 15 năm thực hiện công tác bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61/CP, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng nhu cầu mua nhà của người dân.
 Hà Nội: 52.000 căn hộ chưa bán, cấp chứng nhận
(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Tuy nhiên, cho đến nay, số căn hộ chưa bán và cấp giấy chứng nhận trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều, tính chất lại phức tạp, khó giải quyết dứt điểm.

52.000 căn hộ chưa bán và cấp giấy chứng nhận

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết tổng quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thủ đô có khoảng 210.000 căn, với diện tích sử dụng khoảng 6,3 triệu m2.

Trong đó, quỹ nhà do các công ty quản lý là 155.000 căn, quỹ nhà ở của các cơ quan tự quản không còn đầu mối quản lý, thành phố đã giao Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã xem xét cấp giấy chứng nhận là 55.000 căn.

Đến nay, các công ty quản lý đã bán được 136.829 căn, đạt tổng doanh thu 4.737 tỷ đồng.

Với gần 20.000 căn hộ chưa bán, các công ty này đã tiếp nhận 15.314 đơn mua nhà (trong đó có tới 3.000 trường hợp hồ sơ vướng mắc, đang xem xét, giải quyết; đã tính xong giá bán 6.500 hộ nhưng mới chỉ có 2.709 hộ ký hợp đồng mua bán nhà).

Đối với nhà của các cơ quan tự quản không còn đầu mối quản lý, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã mới thực hiện cấp giấy chứng nhận được 23.000 căn.

Như vậy, số hộ chưa bán và cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định 61/CP trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn nhiều, với khoảng 52.000 căn. Trong đó có gần 7.000 căn thuộc diện không bán và cấp giấy chứng nhận do vướng quy hoạch, nhà có tranh chấp, khiếu kiện và nằm trong danh mục nhà biệt thự, phố cổ không được bán theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Cũng theo đánh giá của Sở Xây dựng, nguyên nhân của việc chưa bán hết quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước là do quỹ nhà các cơ quan tự quản bị buông lỏng quản lý từ nhiều năm nên hồ sơ gốc bị thất lạc; cơ quan tự quản không còn nên không thể bàn giao; hoặc còn nhưng cơ quan ngại, chưa tích cực hoặc không hợp tác. Mặt khác, người sử dụng nhà, đất do các cơ quan tự quản đã tự ý cơi nới, lấn chiếm, nên không muốn làm hồ sơ vì sợ sẽ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Thực tế triển khai cho thấy, có nhiều hồ sơ phức tạp, đã giải quyết từ nhiều năm nhưng chưa dứt điểm; việc đan xen sở hữu về nhà đất đã bán và chưa bán gây khó khăn khi hoạch định, xác định giá bán, diện tích bán; các căn hộ này đều nằm rải rác, đan xen không tập trung, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, cải tạo, sửa chữa và phát triển nhà.

Trong khi đó, cũng có nhiều hộ gia đình có nguyện vọng mua nhà, nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện mua nhà (nhiều hộ đã 3 lần mời lên ký hợp đồng mua bán nhưng không đến); một số hộ muốn mua nhà nhưng vướng quy hoạch, nhà đang có tranh chấp, khiếu kiện, nhà ở khu phố cổ nên chưa được mua, vì vậy cần có chính sách đảm bảo quyền lợi của các hộ.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, qua 15 năm thực hiện, quy trình bán nhà của Thành phố đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần theo hướng rút ngắn thời gian thụ lý và giảm các thủ tục; phủ giá và công bố công khai toàn bộ quỹ nhà được bán cũng như điều kiện được mua nhà, các chế độ chính sách miễn giảm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người mua nhà.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của công tác này là tính tự giác thực hiện công việc của một số cán bộ chưa cao, còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; việc kiểm tra, đôn đốc, phối hợp xử lý giải quyết còn nhiều hạn chế.

Một số Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt, nên khối lượng hồ sơ nhà cơ quan tự quản còn nhiều với khoảng 32.000 căn, chưa được cấp giấy chứng nhận, điển hình như quận Long Biên (còn 9.506/13.728 hộ), quận Hoàng Mai (còn 1.988/1.988 hộ), quận Tây Hồ (còn 1.061/1.150 hộ), huyện Từ Liêm (còn 967/1.720 hộ), huyện Thanh Trì (còn 4.027/6.325 hộ), quận Hà Đông (còn 1.275/11.722 hộ), huyện Hoài Đức (còn 1.251/2.177 hộ).

Thanh tra, kiểm tra việc giải quyết hồ sơ bán nhà

Để đẩy nhanh công tác tiếp nhận, bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành quản lý liên quan và các quận, huyện, công ty bán nhà tập trung thực hiện một số giải pháp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Khôi, thành phố tiếp tục công khai quy trình thủ tục, hồ sơ, thời gian giải quyết, danh sách nhà được bán, chưa được bán, giá bán; tăng cường bộ phận “một cửa,” thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của nhân dân. Đồng thời thường xuyên phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc giải quyết hồ sơ bán nhà và xử lý các cá nhân vi phạm.

Đối với các trường hợp có vướng mắc, tồn đọng từ nhiều năm nay (nhất là các dạng nhà ở khu phố cổ, nằm trong quy hoạch...), thành phố giao Sở Xây dựng rà soát, thống kê, phân loại cụ thể để tìm nguyên nhân và hướng giải quyết.

Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Theo đó, định kỳ cuối mỗi quý, Ủy ban Nhân dân thành phố hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã để kiểm điểm kết quả triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành công tác tiếp nhận, bán nhà và cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách sau khi kết thúc công tác bán nhà trên địa bàn thành phố./.
Theo Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.