GS Đặng Hùng Võ cho rằng, để hạn chế khiếu kiện, tham nhũng đất đai, cần đổi mới, mở rộng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người dân trong các trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh tế.

Sau gần 8 năm thi công, nhiều gói thầu của dự án Đường 5 kéo dài (Hà Nội) vẫn chưa hoàn thành. Lý do chậm trễ bao gồm dự án có diện tích thu hồi lớn, trải dài nhiều địa bàn; việc thu hồi đất lại thực hiện qua các năm khác nhau, chính sách khác nhau... Ảnh: TTXVN.

GS Đặng Hùng Võ (ảnh nhỏ) cho biết:

Khái niệm thu hồi đất vì mục đích kinh tế được quy định tại Luật Đất đai 2003 (trước đó, Luật Đất đai 1987, 1993 chưa quy định dù Nhà nước vẫn thu hồi đất vì mục đích kinh tế). Đồng thời, các nhà làm luật lúc đó cũng thấy rằng thu hồi đất vì mục đích kinh tế tiềm ẩn nhiều bất ổn, khiếu kiện nên đã tìm cách thu hẹp. Từ chỗ, mọi trường hợp đều thu hồi đất, kể cả vì lợi ích riêng như làm khách sạn, cây xăng của một tư nhân nào đó. Luật Đất đai 2003 quy định chỉ thu hồi đất đối với các dự án kinh tế thuộc nhóm A, dự án có hạ tầng chung (khu công nghiệp, kinh tế, khu chăn nuôi tập trung, du lịch dịch vụ...), được coi như vì lợi ích của nhiều người.

Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai 2003 sửa đổi. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc có nên quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế?

Khi ngoằng thêm chữ xã hội vào thành thu hồi đất vì mục đích kinh tế-xã hội (dự thảo Luật Đất đai sửa đổi), tự nhiên làm vấn đề phức tạp thêm. Các dự án thu hồi đất vì lợi ích xã hội là đương nhiên, vì đây là an sinh xã hội; nhưng thu hồi đất vì mục đích kinh tế thì không đương nhiên, không phải luôn đúng. Vậy cơn cớ gì mà ngoằng chữ xã hội vào đây, làm phức tạp, rối rắm, làm nhiều ý kiến thảo luận bất phân thắng bại. Cách tiếp cận này đã làm vấn đề trở nên mù mờ, không minh bạch. Tự nhiên làm thảo luận đi chệch hướng: Người bảo nên hay không nên thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội đều chỉ đúng một nửa, nửa xã hội thì đúng nhưng kinh tế thì chưa hẳn. Vấn đề thu hồi đất vì mục đích kinh tế còn phải thảo luận tiếp, nhưng ở khía cạnh nhân văn thì không đúng.

Đấy là điểm phải làm rõ, phải tách các dự án thu hồi đất vì kinh tế ra khỏi dự án xã hội. Không lẫn kinh tế với xã hội.

Theo ông, thu hồi đất vì mục đích kinh tế đang bộc lộ những bất cập gì?

Luật Đất đai 2003 đã hạn chế được một phần thu hồi đất vì mục đích kinh tế. Đồng thời, Luật quy định trường hợp cho phép nhà đầu tư được tự thỏa thuận với người sử dụng đất (Khoản 2, Điều 40). Đáng lẽ chúng ta phải đi tiếp con đường này. Bởi thu hồi đất vì mục đích kinh tế là lấy tài sản của người này đem cho người khác. Muốn hay không, nghị quyết Trung ương cũng đã nói quyền sử dụng đất là tài sản. Vậy, không thể tùy tiện lấy tài sản của người này đem cho người khác, nhất là khi giá bồi thường quá thấp. Cao nhất ở ngoại thành Hà Nội giá bồi thường khoảng 1 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, nhà đầu tư lập tức bán được hàng chục, thậm chỉ cả trăm triệu đồng một mét vuông.

Rõ ràng, cơ chế này thể hiện sự bất công bằng, không dân chủ, văn minh, bởi không chỉ giá nhà đầu tư bồi thường cho người dân quá thấp so với thị trường, mà còn gây bức xúc vì không có sự đồng thuận của cộng đồng.

Mở rộng, đổi mới cơ chế tự thỏa thuận

Luật Đất đai 2003 đã quy định cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhưng không được áp dụng rộng rãi?

Trước 1998, Nhà nước chưa cho các tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất đai. Để có đất đầu tư, họ phải chuyển nhượng chui, sau đó xin Nhà nước hợp thức bằng việc cho thuê, giao đất. Lúc đó, các nhà đầu tư rất muốn áp dụng cơ chế thỏa thuận, người dân cũng rất được lợi. Tuy nhiên, khi Luật cho phép thì người dân lại đòi giá quá cao, nhưng không ai phân xử, làm các dự án bế tắc. Khi nhà đầu tư chọn cơ chế thỏa thuận, Nhà nước gần như bỏ mặc, không can thiệp gì. Vấn đề là phải đổi mới cơ chế, không để nhà đầu tư thỏa thuận với từng hộ dân nữa, thay vào đó là thỏa thuận với cộng đồng. Sự đồng thuận của cộng đồng là quyết định cuối cùng có giá trị, thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước.

Ưu điểm của cơ chế thỏa thuận là loại bỏ được tham nhũng, hạn chế khiếu kiện. Vì nếu hai bên tự làm việc sẽ có sự đồng thuận, không còn khiếu kiện, tham nhũng cũng không có chỗ xen vào. Chống tham nhũng, hạn chế khiếu kiện là hai vấn đề quan trọng Luật Đất đai cần giải quyết được. Vì thế, chúng ta nên đi theo hướng đổi mới cơ chế thỏa thuận. Nếu quay lại cơ chế thu hồi đất thì tham nhũng, khiếu kiện sẽ phát sinh nhiều hơn.

Vậy theo ông, cơ chế thu hồi đất vì mục đích kinh tế của dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi có gì mới?

Không khác gì nhau về câu chuyện Nhà nước thu hồi đất, ngoại trừ việc ngoằng thêm khái niệm kinh tế-xã hội như tôi đã nói. Còn trường hợp tự thỏa thuận thì lại theo hướng thu hẹp, chỉ áp dụng đối với những trường hợp dự án nhỏ lẻ. Luật Đất đai 2003 hạn chế thu hồi đất vì mục đích kinh tế, còn Luật sửa đổi đi theo hướng hạn chế cơ chế tự thỏa thuận.

Đúng là nếu để nhà đầu tư tự thỏa thuận với cả 100% hộ dân thì không thể đạt được, vậy nên phải đổi mới cơ chế thỏa thuận đó. Chỉ những trường hợp, sau khi đã thỏa thuận mà còn một số trường hợp thì chính quyền vào cuộc để ra quyết định cuối cùng.

Cái chúng ta hướng đến phải là sự đồng thuận, nếu vẫn cần chuyển quyền sử dụng đất của người này cho người khác nên thay cơ chế thu hồi đất vì mục đích kinh tế hiện nay bằng cơ chế tự thỏa thuận.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.