ĐTTC số 547 ra ngày 6-8 có bài viết: “Bất thường dự án Goldenwood Home”, phản ánh việc bà Huỳnh Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Công ty Chăm sóc người cao tuổi quốc tế, có dấu hiệu chiếm dụng vốn cổ đông sau khi kêu gọi góp vốn đầu tư dự án Goldenwood Home. Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn vì sao nhiều cổ đông quá dễ dãi trong việc góp vốn, ĐTTC xin trích đăng ý kiến của các cổ đông đang trong quá trình rút vốn và ý kiến của bà Lê Kim Hương, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-

KTS TRẦN QUANG MINH, Phó TGĐ Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng TPHCM (ACCCo):

Cổ đông sáng lập chưa bao giờ dự họp ĐHCĐ

Tôi và bà Thu Hà từng là bạn bè quen biết nhau thời gian đi du học tại Nga (1978-1983). Cách đây 4 năm, khi dự án khu nghỉ dưỡng chăm người cao tuổi quốc tế bắt đầu manh nha, tôi được bà Thu Hà trình bày về ý tưởng thực hiện dự án rất hay. Với số vốn góp 7.000USD, tôi được liệt vào danh sách 10 cổ đông sáng lập của công ty (dự kiến mỗi cổ đông sáng lập góp tối đa 10.000USD).

Thực ra, với chuyên môn của một kiến trúc sư, tôi tính bỏ công sức của mình ra để cùng phát triển dự án. Có thể nói, lúc mới triển khai mọi công việc đều được bà Thu Hà làm một cách sốt sắng, như lên danh sách cổ đông, xin giấy phép…

Tuy nhiên, sau khi góp vốn, do không được tham gia tư vấn thiết kế dự án nên tôi không còn cảm thấy hứng thú với cách thức thực hiện dự án của bà Thu Hà. Giữa năm 2011, thấy dự án chẳng tiến triển gì và một phần vì kẹt tiền, tôi đã đề nghị rút vốn.

Đáp lại, bà Thu Hà than thở rằng hiện đang gặp khó khăn tài chính, chưa thể trả ngay và yêu cầu tôi “đợi”. Đến nay đã 1 năm trôi qua, dù chưa được trả lại vốn góp, tên tôi vẫn còn trong danh sách cổ đông nhưng tôi đã không còn tham dự cuộc họp nào của công ty.

TRẦN THỊ TƯỜNG VÂN, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Anh Mỹ:

“Tự biên, tự diễn” HĐQT và điều hành công ty

Thực ra tôi và bà Thu Hà quen nhau khi du học tại Nga. Năm 2008, bà Thu Hà tìm gặp tôi “khoe” ý tưởng làm bệnh viện lão khoa, liên doanh với Canada và Pháp, đồng thời nhờ tôi tìm hiểu về thị trường dưỡng lão tại Thụy Sĩ.

Giữa năm 2009, bà Thu Hà quay trở lại giới thiệu nhiệt tình về dự án Khu dưỡng lão quốc tế (không làm bệnh viện nữa vì chi phí lên tới 18-20 triệu USD) và mời gia đình góp cổ phần 10.000USD.

Pano giới thiệu dự án Goldenwood Home. Ảnh: MINH TUẤN

Tài liệu giới thiệu ghi rõ dự án gồm 5 nước tham gia (Pháp, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Việt Nam…), tổng vốn 10 triệu USD. Lúc này, bà Thu Hà cho biết dự án đang trong giai đoạn 2…

Phần giới thiệu gồm cả danh sách cổ đông danh dự, cố vấn uy tín đang làm việc trong cơ quan nhà nước và chuyên gia hàng đầu.

Ngày 9-6-2009, gia đình tôi rút 20.000USD tiền tiết kiệm để góp vốn. Bà Thu Hà cho biết nhận tiền này để làm sổ đỏ, hoàn tất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và “hứa” năm 2011 dự án sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng. Khi được yêu cầu hỗ trợ làm dự án, tôi và bà Thu Hà bắt đầu trao đổi về ý tưởng nhiều hơn.

Tuy nhiên, tôi chỉ làm việc về vấn đề kỹ thuật, xây dựng mô hình dự án, các hạng mục đầu tư tôi không được tham khảo chi tiết về tài chính.

Ngày 22-4-2010, bà Thu Hà gửi cho tôi một email kể lể đang gặp khó khăn vì dân “kiện” chưa trả tiền đất, cổ đông đòi rút vốn và năn nỉ hãy “cứu chị, chị cần dùng uy tín của em…”. Tính đến tháng 11-2010, ngoài công sức bỏ vào dự án, tôi đã góp cho bà Thu Hà tổng cộng 170.000USD.

4 năm nay, tôi chưa bao giờ được họp đại hội cổ đông để nắm bắt tình hình hay biểu quyết thông qua các vấn đề liên quan đến thu/chi của công ty. Tôi và các cổ đông cũng chưa bao giờ được cấp sổ cổ đông và xác nhận bằng văn bản về tỷ lệ sở hữu.

Bà Thu Hà còn tự ý lập danh sách thành lập HĐQT, chỉ định ủy viên HĐQT; tự ý đưa con gái là Phùng Thị Thu Hiền (sinh năm 1986) lên làm Tổng giám đốc điều hành công ty. Trong khi đó, với tuổi hiện tại cô này quá trẻ, không có khả năng quản lý, không nắm Luật Doanh nghiệp, giao dịch tiếng Anh quá kém…

Tôi nhiều lần góp ý, thắc mắc và yêu cầu phải minh bạch vấn đề quản lý tài chính, bà Thu Hà ngay lập tức gửi email yêu cầu tôi rút khỏi công ty với cam kết sẽ trả hết vốn và lãi trước tháng 6-2011. Đến nay, số vốn góp của tôi vẫn bị bà Thu Hà chiếm dụng 100.000USD.

LÊ KIM HƯƠNG, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Dự án tốt nhưng do người thực hiện

Khi triển khai dự án Chăm sóc người cao tuổi ở huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), chị Thu Hà có mời tôi làm cổ đông danh dự, qua đó có thể hỗ trợ công ty trong các thủ tục hồ sơ pháp lý, chủ trương. Sau này nghỉ hưu, nếu dự án tiến triển tốt thì tham gia góp vốn.

Nhưng kể từ năm 2010, tôi nghỉ hưu và không còn nắm thông tin gì thêm về dự án. Chị Thu Hà cũng cho biết sẽ mời tôi họp khi công ty tiến hành đại hội cổ đông, song đã mấy năm rồi tôi chưa được tham dự.

Khách quan mà nói, đây là dự án tốt, nội dung và mục đích rất cao đẹp. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện chỉ có một dự án phục vụ cho người già neo đơn, do điều kiện kinh tế khó khăn với số lượng người lưu trú khoảng 100 người, bởi vốn thực hiện hoàn toàn là ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, cán bộ công chức về hưu mà con cái không có thời gian chăm sóc, rất cần một nơi có dịch vụ cao cấp để ở do tư nhân đầu tư.

Hơn nữa, một số nước, như Nhật Bản, người già thường phải đi trú đông ở những nước có khí hậu mát mẻ, trong lành. Nếu Việt Nam có những khu nghỉ dưỡng cao cấp, chất lượng dịch vụ tốt, cùng với sự hỗ trợ của các công ty lữ hành, chắc chắn sẽ thu hút được lượng khách này.

Thật ra, đây là dự án đầu tiên chị Thu Hà thực hiện nên gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn đầu tư phụ thuộc rất lớn vào các cổ đông trong nước chứ chưa liên doanh được với các nước.

Hiện nay, việc các cổ đông rút vốn khi thấy dự án triển khai không đúng là do người thực hiện. Nếu thật sự chị Thu Hà có hành động lừa gạt cần phải làm rõ.

Theo SG Đầu Tư Tài Chính
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.