25/05/2013 7:42 AM
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu cứ trông vào lương, người dân khó có thể mua nhà. Đó cũng là lý do Nhà nước tung ra gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam - Ảnh: L.Q

* Gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản sắp được triển khai, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn về quy định phải có tài sản bảo đảm khi vay, ông nghĩ như thế nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Các quy định của ngân hàng khi cho vay vẫn cần phải được đảm bảo, dù đó là vay thường hay vay theo gói hỗ trợ. Vì thế, để vay tiền trong gói 30.000 tỉ, ngoài đáp ứng các điều kiện, cũng cần đáp ứng được yêu cầu về tài sản bảo đảm để có thể đảm bảo việc thu hồi vốn của các ngân hàng.

Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn triển khai gói 30.000 tỉ cũng đã nói rõ, tùy thân nhân và tín nhiệm, nghề nghiệp của người vay mà ngân hàng quyết định cần hay không cần tài sản thế chấp. Hơn nữa, đã có quy định dùng chính căn nhà đã mua làm tài sản bảo đảm, nên sẽ “dễ” hơn.

* Tối đa 21.000 tỉ trong số 30.000 tỉ sẽ đến tay người có nhu cầu mua nhà, nhưng không ít ý kiến vẫn băn khoăn, thu nhập dưới 9 triệu đồng thì không thể mua được vì mức trả gốc và lãi đã lên tới 4 triệu đồng, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Nhà nước nghĩ người dân chỉ trông vào lương thì không mua được nhà, nên mới đưa ra gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân vay vốn. Hiện nay, theo quy định, người có thu nhập dưới 9 triệu đồng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là người thu nhập thấp. Một người thu nhập 9 triệu đồng thì không thể mua được nhà, nhưng nếu gia đình có 2 người đi làm, tổng thu nhập mỗi tháng 15-18 triệu đồng hoàn toàn có thể mua nhà. Đã có tính toán rằng, với mức thu nhập này, người ta dành ra 30%, tương đương 6 triệu để trả lãi, gốc hàng tháng sẽ mua được nhà.

* Thời hạn vay 10 năm có thể hiểu như thế nào cho linh hoạt, thưa Thứ trưởng?

- 10 năm không có nghĩa là bắt buộc người dân phải vay trong 10 năm. Có những người có khả năng chi trả, tình hình tài chính tốt thì chỉ cần 5 năm đã trả xong cả gốc và lãi. Nhưng những người khó khăn hơn thì 10 năm mới phải trả hết, như vậy là linh hoạt. Nếu khả năng trả nợ ngắn hơn 10 năm, có năng lực, ngân hàng sẽ cho vay ngắn hạn.

* Có người cho rằng, đã cho vay ưu đãi thì ngân hàng không nên hưởng khoản chênh lệch lãi suất 1,5% trong gói hỗ trợ 30.000 tỉ. Ông nghĩ sao?

- Mức 1,5% tôi cho là hợp lý. Vì hiện nay, lãi suất huy động khoảng 7%/năm, nhưng cho vay ra 13%, chênh lệch đã là 6%. Thông thường, mức chênh ổn định phải là 3% cho các hoạt động như nuôi bộ máy, trả lương nhân viên, in ấn, theo dõi, quản lý thu hồi nợ… Cho người dân vay với khối lượng lớn, chi phí quản lý cũng sẽ lớn hơn, họ phải thẩm định và theo dõi. Chi phí 1,5% thực tế là thấp so với chênh lệch thương mại, ngân hàng hoạt động cả bộ máy, nên không thể làm không công.

Nếu ai có khả năng trả nợ trước 10 năm, ngân hàng sẽ cho vay ngắn hạn hơn - Ảnh: L.Q

* Ngoài lãi suất, tài sản bảo đảm và hồ sơ điều kiện, người dân có nhu cầu vay vốn còn lo ngại vấn đề giá chênh khi mua nhà thu nhập thấp, quan điểm của Thứ trưởng?

- Chuyện giá chênh 50-100 triệu đồng/căn khi người dân mua nhà ở thương mại giá 11 triệu đồng/m2 là do quá nhiều người thích “lao” vào. Còn thực chất, nhà 11 triệu đồng hiện nay không thiếu. Còn riêng với nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, tôi cho rằng không có chuyện mua bán sang tay qua người nọ, người kia. Với nhà thương mại diện tích dưới 70 m2 giá dưới 15 triệu đồng/m2 cũng vậy, mua bán phải có hợp đồng, nếu mua lại bắt buộc phải chuyển nhượng hợp đồng. Nhà đang thừa, nên tôi nghĩ không có hiện tượng mua quá chênh lệch.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Lê Quân (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.