Khi TP Hà Nội vẫn đang đau đầu giải quyết bài toán nhà siêu mỏng, siêu méo thì tại đường Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội, những ngôi nhà siêu mỏng lại tiếp tục xuất hiện. Điều đáng nói là những ngôi nhà này được xây dựng trái phép trên khu vực nút cổ chai, nơi vẫn đang nóng vấn đề điều chỉnh quy hoạch theo kiểu "nắn đường" mà nhiều cử tri của phường Dịch Vọng Hậu đang lên tiếng.

Từ việc xây dựng trái phép


Theo phản ánh tới Đường dây nóng, trưa 29/9, chúng tôi có mặt tại nút cổ chai đường Trần Quốc Hoàn, đoạn tiếp giáp phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hàng loạt công trình xây dựng dở dang đang nằm im sau quyết định đình chỉ của UBND phường Dịch Vọng Hậu.


Một người dân bức xúc chỉ vào nơi những thanh sắt đang mọc lên tua tủa cho biết, khi chính quyền chưa giải tỏa xong, chưa kịp bàn giao mặt bằng thì các hộ dân đã xây dựng cả ngày lẫn đêm. Sự việc này đã gây nên bức xúc cho các hộ dân khu vực lân cận không chỉ về sự an toàn cho các ngôi nhà liền kề. Bởi, vấn đề không đơn giản chỉ là xây dựng trái phép, mà nó còn ảnh hưởng tới cả một không gian mỹ quan đô thị khi các hộ dân xây dựng tiếp tục tạo nên nút thắt cổ chai tại tuyến đường Trần Quốc Hoàn.


Ngày 21/9, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã ra quyết định đình chỉ các công trình vi phạm trên. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Sự bức xúc của người dân bấy lâu nay chính là việc "nắn" quy hoạch, tạo ra một nút thắt cổ chai tồn tại suốt cả chục năm trời. Được biết, năm 2000, UBND TP Hà Nội có Quyết định 5775/QĐ-UB thu hồi 29.895m2 đất để làm tuyến đường Tô Hiệu kéo dài, nay là đường Trần Quốc Hoàn.


Các bước tiến hành dự án được thực hiện, trừ phần thắt cổ chai nơi 67 hộ dân tổ 20, phường Dịch Vọng Hậu sinh sống. 10 năm qua, tại đây hình thành một điểm nóng về giao thông đoạn đầu đường Trần Quốc Hoàn, tiếp giáp đường Tô Hiệu. Tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan đô thị đã diễn ra nhiều năm nay.


Gỡ

Các hộ dân xây dựng nhà trái phép trên đường Trần Quốc Hoàn đã bị đình chỉ.

Đến chuyện "thắt eo đường" không vì lợi ích chung


Nguyên nhân xuất hiện nút thắt cổ chai này là do các hộ dân tổ 20, phường Dịch Vọng Hậu đề nghị thu hẹp cục bộ mặt cắt tuyến đường. Đoạn đường đề nghị thu hẹp dài khoảng 200m, phía Nam giáp đường Trần Quốc Hoàn (đoạn từ đường Trần Quốc Hoàn - Phan Văn Trường đến cổng sau Trường Đại học Sư phạm).


Đáp ứng đề nghị của các hộ dân, ngày 7/7/2008, UBND quận Cầu Giấy có Tờ trình số 33 đề nghị điều chỉnh cục bộ mặt cắt (nút cổ chai) đường Trần Quốc Hoàn. Trên toàn tuyến, diện tích lòng đường là 15m, vỉa hè 8m. Đề xuất điều chỉnh này đưa ra phương án: Lòng đường rộng 15m không thay đổi trên toàn tuyến, nhưng vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng 5m (thu hẹp 3m).


Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng có Văn bản số 193/QHTT-HTKT ngày 25/8/2008 đề xuất điều chỉnh cục bộ tuyến đường. Ngày 29/10/2008, UBND TP Hà Nội có Văn bản 2573/UBND-GT do Phó Chánh văn phòng UBND TP ký, chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND quận Cầu Giấy triển khai thực hiện theo quy định, phê duyệt theo thẩm quyền.


Vậy là, sau khi được thành phố chấp thuận, UBND quận Cầu Giấy tiến hành các bước thực hiện. Do có phương án điều chỉnh cục bộ tuyến đường, nên sau khi tiến hành giải phóng mặt bằng nút cổ chai đường Trần Quốc Hoàn, các hộ dân nằm trên phần diện tích đã điều chỉnh được giải tỏa, tiến hành xây dựng nhà trên phần diện tích đất còn lại. Nhìn trên toàn tuyến, cả con phố Trần Quốc Hoàn có vỉa hè rộng 8m đột ngột bị thu hẹp lại 3m như bị "thắt eo".


Ông Đào Phú Quyền, Phó Ban mặt trận cụm dân cư số 7 đặt câu hỏi: Trước đây dân cư khu vực này còn chưa đông, nhưng đến nay, diện tích lưu thông trên đầu người rất thấp, việc thu hẹp diện tích vỉa hè như thế là đúng hay sai? Ông Quyền cũng nêu ý kiến, nếu cần thì các cơ quan chức năng có thể làm cuộc điều tra xã hội học để lấy ý kiến nhân dân về việc thực hiện tuyến đường Trần Quốc Hoàn để đưa ra phương án hợp lý, giải quyết nút giao thông cổ chai này.


Ông Nguyễn Tiến Huề, ông Nguyễn Xuân Hỡi ở tổ 23 cũng nêu ý kiến rằng nếu căn cứ các cột mốc chỉ giới cũ do Phòng địa chính cắm trước đây thì vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn tiếp giáp tường nhà phía sau các hộ dân dãy B10. Nhiều hộ dân đã đào móng tái xây dựng nhà chồng lên chỉ giới đỏ. Vấn đề chỉ giới đỏ trong sổ đỏ của các hộ dân dãy B10 cũng ghi rõ phía Bắc giáp đường Trần Quốc Hoàn vỉa hè rộng 8m.


Ông Trần Đình Trọng ở tổ 23 phường Dịch Vọng đưa ra thắc mắc: "UBND quận đưa ra cái lợi khi "thắt eo" 3m vỉa hè là: "đảm bảo thông tuyến với mặt bằng tối thiểu mà thành phố yêu cầu, phần chỉ giới phía Bắc được điều chỉnh gọn và đẹp hơn phương án duyệt trước đây; giảm thiểu mức độ ảnh hưởng lớn đối với đời sống và sinh hoạt của trên 60 hộ dân; tiết kiệm được khoảng 50 căn hộ tái định cư tại khu 5,3ha phường Dịch Vọng và tiết kiệm được trên 50 tỷ đồng cho ngân sách thành phố".


Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh cái lợi mà cơ quan chức năng đưa ra để đồng ý điều chỉnh. Các cơ quan chức năng cần minh bạch số tiền 50 tỷ đồng trên. Đối với các hộ dân đã nhận tiền đền bù thì còn phần diện tích thừa, ai sẽ được sở hữu?…".


Từ việc xây dựng trái phép bên cạnh diện tích đất giải tỏa, việc "thắt eo" vỉa hè lại một lần nữa gây nóng dư luận. Nhiều hộ dân thuộc phường Dịch Vọng Hậu không đồng tình với việc phê duyệt đề nghị điều chỉnh cục bộ tuyến đường Trần Quốc Hoàn và cho rằng nó không phù hợp với thực tế nhu cầu giao thông hiện nay, vừa làm mất mỹ quan đô thị.


Người dân cần sự minh bạch trong thực hiện dự án xóa nút cổ chai và cần một không gian đô thị hiện đại chứ không phải chỗ phình ra, chỗ thắt vào. Những thắc mắc chính đáng của người dân xung quanh việc xóa nút cổ chai đường Trần Quốc Hoàn cần được giải quyết.


Các hộ dân xây dựng nhà trái phép trên đường Trần Quốc Hoàn đã bị đình chỉ.
Theo Việt Hà (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.