Với quyết tâm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của chính quyền cơ sở đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), UBND thành phố có văn bản yêu cầu các ngành hữu quan rà soát, tinh giản thủ tục theo hướng thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên trong thực tế, người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong việc xin cấp "sổ đỏ".

Gian nan việc xin cấp

Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Hải

Ông Ðinh Quỳnh Giao, ở tổ 5 phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cẩn thận giở tập tài liệu gồm những giấy tờ liên quan đến lĩnh vực đất đai gồm đủ loại, từ Luật Ðất đai, các nghị định, thông tư hướng dẫn... đến Quyết định số 117/QÐ-UBND ngày 1-12-2009 của UBND thành phố về trình tự, thủ tục liên quan đến cấp sổ đỏ, từ chiếc cặp sách cũ. Ông Giao cho biết, ngày 26-4-1993, cụ Trần Văn Các có viết bản di chúc chia cho năm người con 1.556 m2 đất, trong đó có bà Trần Thị Bình, vợ ông. Văn bản này đã được trưởng thôn Gia Quất xác nhận vào ngày 2-5-1993. Sau khi cụ Trần Văn Các mất, năm 2001 văn bản này được cán bộ địa chính xác nhận và chính quyền địa phương thừa nhận tính hợp pháp. Năm 2005, để bảo vệ tài sản của mình, bà Bình đã làm đơn và được chính quyền cho phép xây tường bao quanh. Năm 2007, gia đình ông gửi đơn đề nghị chính quyền xem xét, cấp "sổ đỏ" cho mảnh đất này. Tuy nhiên, cán bộ địa chính phường thông báo, mảnh đất của bà Bình không đủ điều kiện xác nhận là đất ở đô thị, mà chỉ là đất vườn. Lý do được chính quyền đưa ra là trên đất không có nhà ở và phần đất ở đã được các anh, chị của bà làm nhà trước đó rồi. Ông Giao cho rằng, đây là phần đất mà bố mẹ vợ của ông phân chia cho các con, trong đó có bà Bình-vợ ông, vì không đủ tiền nên ông bà chưa có điều kiện xây nhà. Ông bà dự định đến khi có đủ điều kiện kinh tế sẽ xây nhà cho con trai ra ở riêng tại mảnh đất này. Mảnh đất nằm trong khu dân cư, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị đã được phê duyệt. Hơn nữa, trong cùng mảnh đất của cha ông để lại, phần đất liền kề của em gái bà Bình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là đất ở đô thị với thời gian sử dụng lâu dài thì không có lý do gì để bác yêu cầu chính đáng của gia đình...


Tháng 3-2011, gia đình ông được thông báo đến nhận "sổ đỏ". Khi được biết toàn bộ diện tích chỉ được công nhận là đất vườn và phần diện tích không đúng thực tế, gia đình tiếp tục kiến nghị UBND phường xem xét lại. UBND phường đã tổ chức buổi làm việc với gia đình ông, nhưng hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Ông Giao gửi đơn đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên. Quá lo lắng, sốt ruột, từ tháng 3 đến tháng 8, tuần nào ông bà cũng phải thường xuyên đến bộ phận một cửa, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận trình bày ngọn ngành mọi lý lẽ và bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Cán bộ Phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực tiếp thụ lý hồ sơ qua nhiều lần trao đổi đã hứa sẽ xem xét giải quyết đề nghị của gia đình. Ðến ngày 8-9, ông bà nhận được sổ đỏ. Tuy nhiên, sổ đỏ vẫn giữ nguyên mục đích sử dụng là đất vườn; thời gian sử dụng: lâu dài... và được ký duyệt từ ngày 22-12-2010. Vậy là quãng thời gian hơn nửa năm ông bà đôn đáo lo hoàn thiện hồ sơ, kiến nghị gửi chính quyền quận cũng như bao hứa hẹn của cán bộ thụ lý đều... vô ích. Hơn thế, trong "sổ đỏ" ghi nhầm năm sinh và giới tính của bà Trần Thị Bình.


Còn chị Minh Nguyệt, ở phường Bồ Ðề (Long Biên) phản ánh, mảnh đất gia đình chị được cấp "sổ đỏ" từ năm 2009. Theo hướng dẫn hồ sơ thủ tục hành chính về tách thửa đất giữ nguyên chủ sử dụng, gia đình chuẩn bị hồ sơ gồm đủ đơn xin tách thửa, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính và bản sao có công chứng), chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu và hai bản hồ sơ kỹ thuật thửa đất do cơ quan có tư cách pháp nhân lập. Thời gian nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận văn phòng một cửa quận là đầu tháng 8 và hẹn trả kết quả vào ngày 26-8. Ðến ngày hẹn trả kết quả, gia đình lại nhận được phiếu yêu cầu bổ sung xác nhận của UBND phường về phần ngõ đi của thửa đất được tách ra. Tuy nhiên, theo giải thích của cán bộ địa chính phường cũng như thực tế trong sổ đỏ, phần ngõ đi đã được thể hiện đầy đủ, rõ ràng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu bổ sung. Sau nhiều lần đi lại vất vả, thậm chí mang cả bản chụp sơ đồ thửa đất ra trình bày, vị cán bộ thẩm định lại... đồng ý không cần bổ sung hồ sơ! Thời gian hẹn trả kết quả được đẩy đến ngày 20-9. Nhưng, đến lần hẹn thứ hai, vị cán bộ thẩm định lại cho biết: Hồ sơ đang được xem xét. Chị Nguyệt bức xúc, một việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng chỉ vì sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ nên kéo dài gần hai tháng trời chưa giải quyết xong. Người dân thì ngày đêm mong mỏi, trong khi cán bộ làm việc một cách đủng đỉnh, vô trách nhiệm.


Hai trường hợp nêu trên chỉ là những minh chứng cho việc người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong việc xin cấp "sổ đỏ". Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố còn gần 7.000 tổ chức và hơn 98 nghìn hộ dân chưa được cấp "sổ đỏ". Sự phức tạp của công tác quản lý đất đai cộng thêm sự thiếu nhiệt tình, vô trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ đang làm cho tình hình khó khăn. Cải cách thủ tục hành chính, tinh giản thủ tục làm "sổ đỏ" phần lớn phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ. Họ là những người trực tiếp theo dõi các biến động về đất đai trên địa bàn, thay mặt chính quyền thẩm định hồ sơ, đề xuất phương án giải quyết... đối với từng trường hợp cụ thể. Ðây là công việc phức tạp, nhạy cảm và dễ nảy sinh tiêu cực, đòi hỏi sự nhiệt tình, công tâm của cán bộ thực hiện. Vì thế cùng với việc nâng cao năng lực chuyên môn, giáo dục phẩm chất đạo đức, cần tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các cán bộ lợi dụng quyền hạn, chức vụ cố tình sách nhiễu người dân là chìa khóa góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc làm "sổ đỏ" cho người dân.

Theo Ngọc Anh (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.