Một góc lô N dự án khu tái định cư An Phú - Bình Khánh. Ảnh: KIM NGÂN
Chính sách phù hợp, giải phóng mặt bằng thuận lợi
Đây là đúc kết của UBND quận 9 về công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức TĐC trên địa bàn quận. Phó Chủ tịch UBND quận 9 Nguyễn Văn Thành cho biết, mỗi khi có vướng mắc về chính sách bồi thường, liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân, UBND quận 9 bao giờ cũng báo cáo lãnh đạo thành phố và chủ động tham mưu cho lãnh đạo thành phố hướng tháo gỡ, do đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại quận nhận được sự đồng tình của đại đa số người dân. Hầu hết các dự án lớn của quận như dự án Khu công nghệ cao, dự án Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội… đã giải phóng mặt bằng được gần 80%. Nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng 100% như dự án Khu TĐC Long Bửu, Khu TĐC Long Sơn, dự án xây dựng tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên… đến nay, quận 9 đang thực hiện 11 dự án TĐC với tổng diện tích trên 200ha, trong đó 10 dự án đã hoàn thành với 2.866 nền đất và 508 căn hộ chung cư, đáp ứng nhu cầu TĐC các hộ dân trong các dự án trên địa bàn.
Tại quận 12, đại diện UBND quận cho biết, để chủ động bố trí TĐC cho người dân, UBND quận 12 đã đề xuất UBND TPHCM và Sở Xây dựng giao một số quỹ nền, căn hộ chung cư và chấp thuận chủ trương cho UBND quận 12 mua lại quỹ nhà, đất TĐC của các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. Nhờ đó, UBND quận 12 đã đảm bảo TĐC cho các dự án triển khai trên địa bàn quận. Ngoài ra, UBND quận 12 còn công khai cho hộ dân biết về các khu định cư để người dân có cơ hội chọn lựa được khu TĐC phù hợp. Hiện nay trên địa bàn quận 12 không còn trường hợp tạm cư dài hạn theo Chỉ thị 32/2006/CT-UBND của UBND TP.
Độ vênh giữa chính sách và thực tế
Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, đại diện UBND quận 9 cho biết, một trong những vấn đề bức xúc của người dân là giá bồi thường còn thấp và các đơn vị chức năng chưa thống nhất về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Trong cùng một khu vực, thậm chí trong cùng một dự án, song nhiều khi giá đền bù lại rất khác nhau, đã tạo ra tâm lý không yên tâm trong dân. Đối với chính quyền địa phương, điều khó xử hiện nay là ứng xử như thế nào đối với những hộ dân bị giải tỏa trắng, song lại không đủ điều kiện để tái lập cuộc sống mới. Những hộ dân này đa phần có nhà diện tích nhỏ, tiền bồi thường không lớn, do đó sau khi nhận nền TĐC không đủ tiền để xây nhà mới.
Đối với UBND quận 12, vấn đề khó giải quyết là việc tính giá đền bù đối với đất nông nghiệp thuần. Theo quy định, mức bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp thuần rất thấp so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường nên chính quyền địa phương không được sự đồng thuận của người dân…
Một góc khu tái định cư An Lộc. Ảnh: KIM NGÂN
Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, cho vay vốn sản xuất đối với người TĐC đã được các quận triển khai kịp thời. Từ năm 2007 đến nay, UBND quận 9 phối hợp với Khu Công nghệ cao và các doanh nghiệp trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho 7.442 lao động, hỗ trợ vốn cho 2.919 hộ dân với tổng số tiền trên 55 tỷ đồng. Đối với học sinh, sinh viên con em những gia đình bị giải tỏa gặp khó khăn quận hỗ trợ học phí lên tới 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây vẫn là những kết quả khiêm tốn vì quận 9 có tới hơn 10.000 hộ dân bị giải tỏa…
Nguyên nhân của việc này có từ cả hai phía. Với chính quyền, đó là mức hỗ trợ vốn theo quy định chỉ có tối đa 10 triệu đồng/người và 30 triệu đồng/hộ, quá ít để người dân có thể tạo dựng công việc mới. Với người dân, một bộ phận không nhỏ người lớn tuổi không có trình độ, không có tay nghề và kỹ năng chuyển đổi nghề mới. Khá nhiều lớp đào tạo nghề mở ra cho đối tượng này nhưng họ ít khi theo học cho hết khóa.
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cao những nỗ lực của UBND quận 12 trong việc chủ động tìm quỹ nhà TĐC cho người dân. Theo bà, UBND quận 12 cần mở cuộc khảo sát, điều tra xã hội học về đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất, để kịp thời đề xuất với thành phố có những chính sách hỗ trợ tốt hơn. Tại UBND quận 9, đoàn giám sát của HĐND TPHCM ghi nhận các kiến nghị của quận về giá bồi thường, giải phóng mặt bằng và đặc biệt xem xét nâng mức hỗ trợ vay vốn cho người dân TĐC để họ có điều kiện tạo dựng cuộc sống mới.