24/09/2013 7:48 AM
Thời gian qua, công tác quản lý đất đai ở Hà Nội còn nhiều khiếm khuyết, việc cập nhật biến động sử dụng đất không tốt.

Khi phê duyệt phương án bồi thường đối với đất bị thu hồi, bao giờ cơ quan có thẩm quyền cũng phải xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất.

Thế nhưng nhiều năm qua, do công tác quản lý nhà nước về đất đai ở Hà Nội còn nhiều khiếm khuyết, việc cập nhật biến động sử dụng đất không tốt, thiếu bài bản, thậm chí có tiêu cực khiến công tác giải phóng mặt bằng ì ạch do phải sử dụng hồ sơ quản lý đất đai từ nhiều năm trước.

Lấy ý kiến khu dân cư: “đánh đố” hàng xóm

Là một quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, Tây Hồ trở thành “điểm nóng” trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng do việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều trở ngại. Đơn cử, tại gói thầu 1A, dự án đường Vành đai 2 qua phường Nhật Tân suốt 4 năm qua vẫn chưa hoàn tất mặt bằng khi phải mất quá nhiều thời gian xác định việc chia tách, cho tặng, chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Đoạn vành đai 2 nối cầu Nhật Tân đang trình phương án đền bù, hỗ trợ để GPMB

Điển hình là hộ ông Nguyễn Ngọc Thông và hộ bà Nguyễn Thị Mứt ở tổ 47, phường Nhật Tân. Vào những năm 1987, 1988 họ được HTX chia đất sản xuất nông nghiệp theo số lượng nhân khẩu. Khi các con đến tuổi trưởng thành, ông Thông, bà Mứt giao lại phần đất được chia trước đây cho các con để họ tự sản xuất, đóng thuế.

Bà Nguyễn Thị Mai Lan, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nhật Tân xác nhận: “HTX được tham gia xác minh nguồn gốc đất là đất nông nghiệp là đúng rồi. Và sau này, những định suất được giao các thửa đất, các con của ông Thông, bà Mứt chia tách, trả lại định suất cho các cháu theo từng hộ riêng”.

Khi duyệt phương án đền bù, UBND quận Tây Hồ cho rằng, diện tích đất của hai hộ chỉ đứng tên ông Thông, bà Mứt trong sổ bộ thuế, nên ngoài tiền bồi thường 252.000 đồng/m2, mỗi hộ chỉ được hưởng khoản tiền hỗ trợ phần bị thu hồi không quá 5 lần hạn mức đất ở (tương đương 450m2).

Các con ông Thông, bà Mứt khiếu nại và khởi kiện ra tòa với lý do: họ đã chia tách đất nông nghiệp, có hộ khẩu ở phường, đang trực tiếp sản xuất trên đất đó, phải được hưởng mức đền bù và hỗ trợ mỗi người một phương án theo quy định của thành phố. Suốt 3 năm qua, Hợp tác xã, UBND phường Nhật Tân, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã có tới gần chục văn bản gửi lãnh đạo quận Tây Hồ chỉ báo cáo mỗi một việc “xác định nguồn gốc đất” của họ.

Bà Bùi Thị Quế Khánh, cán bộ địa chính phường Nhật Tân cho biết: Hồ sơ quản lý sử dụng đất nông nghiệp tại phường hiện lưu giữ có rất ít tài liệu về nguồn gốc sử dụng đất: “Việc tách, nhập nói là bàn giao về phường, nhưng chỉ trên giấy tờ, chứ thực địa vẫn là hợp tác xã quản lý trực tiếp. Từ năm 2000 là bàn giao đất công, còn về đất nông nghiệp Ủy ban nhân dân phường chỉ nhận bàn giao quản lý trên giấy tờ”.

Để có căn cứ phê duyệt mức hỗ trợ cho các con ông Thông, bà Mứt, quận Tây Hồ đã nhiều lần yêu cầu phường Nhật Tân tổ chức hội nghị lấy ý kiến dân cư “xác định thời điểm chia tách đất” của gia đình họ.

Lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc đất để làm cơ sở cho việc áp giá bồi thường là giải pháp cuối cùng và không kém phần phức tạp. Chuyện nể nang, né tránh, ngại va chạm và thái độ “không biết, không thấy, không nhớ” đã từng xảy ra ở nhiều nơi. Thế là việc xác định nguồn gốc đất bị tắc, phải họp lên họp xuống. Đây là việc làm cuối cùng không đáng có, nếu cơ quan chức năng nêu cao trách nhiệm trong việc cập nhật biến động sử dụng đất và chủ động hướng dẫn người dân các thủ tục chia tách, chuyển nhượng, tặng cho đất đai theo quy định.

Hồ sơ cũ và thực tế mới

Dự án đường nối tiếp từ khu Đền Lừ 2 đến đường Trương Định, Giáp Bát ở Hoàng Mai hiện vẫn phải sử dụng tờ bản đồ năm 1996 để giải quyết khiếu nại về nguồn gốc đất của 6 hộ dân và 1 tổ chức do chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Không rõ nguồn gốc đất nên đoạn Văn Cao - Tây Hồ chậm tiến độ GPMB

Cũng tại quận này, dự án khu A, công viên Yên Sở gần 125,5 ha, dù gặp rất nhiều thuận lợi với 99,8% diện tích đất bàn giao, nhưng đến nay còn 11 hộ dân tiếp tục khiếu nại.

Theo cơ quan chức năng, diện tích đất mà các hộ sử dụng và yêu cầu bồi thường là do UBND huyện Thanh Trì cho Hợp tác xã vận tải Sở Thượng mượn cách đây 27 năm; đã được thu hồi, bàn giao cho dự án thoát nước giai đoạn I và đường vành đai 3. Nhưng do chủ đầu tư và chính quyền phường quản lý không chặt chẽ để các hộ lấn chiếm trở lại.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Hải, quận này hiện có 87 dự án. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án nào cũng phức tạp ở mức độ khác nhau, trong đó việc xác định nguồn gốc đất gặp khó khăn, “do quản lý đất đai ở cơ sở qua các thời kỳ có nhiều yếu kém”. Ông Đức Hải nói: “Chúng tôi phải sử dụng hồ sơ quản lý tại phường là hồ sơ kê khai cấp sổ đỏ, hồ sơ xin phép xây dựng công trình và những tài sản chúng tôi quan sát được. Để khi chúng tôi áp phương án, các hộ dân trong 20 ngày xem diện tích, công trình, cây cối hoa màu, tài sản đã đủ chưa? Chưa đủ thì có quyền có đơn ra để chúng tôi bổ sung”.

Chỉ dài hơn 1 km qua địa bàn quận Ba Đình và Tây Hồ, đường Văn Cao - Hồ Tây là một trong những công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Công tác GPMB tiến hành từ năm 2007 liên quan đến gần 370 hộ. Nhưng hơn 6 năm qua vẫn còn 163 hộ chưa bàn giao mặt bằng vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó 71 hộ thuộc khu tập thể Bộ Tư lệnh công binh dù đã sinh sống ở đây nhiều chục năm, nhưng lại không có hồ sơ lưu trữ tại phường nên việc xác minh nguồn gốc đất và phê duyệt phương án vẫn chưa thể thực hiện. Phần còn lại của dự án hiện như một “nút cổ chai”. Đầu đường phía Hồ Tây ngổn ngang, trở thành nơi tập kết rác, bẩn thỉu, nhếch nhác, ùn tắc giao thông.

Địa bàn Hà Nội đang tồn tại vài chục loại đất có nguồn gốc và thời gian sử dụng khác nhau, trong khi hồ sơ lưu trữ qua các thời kỳ không đầy đủ. Theo một cán bộ địa chính, nếu những năm qua Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ đỏ” cho dân, việc kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất không còn phải phụ thuộc vào những bộ hồ sơ cũ từ vài chục năm trước vừa lạc hậu, vừa không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Thực tế suốt 25 năm qua, kể từ khi bắt đầu có luật Đất đai năm 1988, Hà Nội vẫn là một trong số ít địa phương có tiến độ cấp sổ ì ạch nhất cả nước đến nay mới đạt dưới 70%. “Hà Nội không vội được đâu”. Đó là câu nói đùa nhưng là thật, để khuyên người đi đường bình tĩnh và người chờ “sổ đỏ” đừng nôn nóng./.

Ngọc Năm (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.