Dự án “treo” đến bao giờ?
Dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật hồ Ba Mẫu, quận Đống Đa, Hà Nội là một trong những dự án “đắp chiếu” lâu nhất trong khu vực nội thành Hà Nội. Được khởi động từ những năm 90 của thế kỷ trước, thế nhưng có mặt tại khu vực hồ Ba Mẫu sáng 22/8, chúng tôi thấy công tác giải phóng mặt bằng nhiều điểm quanh khu vực hồ còn giậm chân tại chỗ. Đường vòng quanh hồ chưa thông suốt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau nhiều năm khởi động ì ạch, tháng 9/2011, theo Quyết định số 757/QĐ-UBND ngày 8/2/2010 của UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hồ Ba Mẫu, Sở Xây dựng Hà Nội cho khởi động lại dự án. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chậm tiến độ.
Tới quận Thanh Xuân, chúng tôi lại thấy hơn 13ha đất thuộc dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính cũng trong tình trạng bỏ hoang hóa và lãng phí nghiêm trọng. Cả khu đất “vàng” nằm nối giữa khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính vào đường Vành đai 3 giờ chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Nếu không nhìn tấm biển “Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính” được dựng ở mặt đường Hoàng Minh Giám thì nhiều người lầm tưởng nơi đây là khu đất bỏ hoang, không có đơn vị nào quản lý. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như không đặt vào bối cảnh hiện nay, khi tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh, nhu cầu sử dụng các công trình công cộng của người dân tăng. Vậy mà từ năm 2003, thời điểm các cơ quan chức năng tiến hành giải phóng mặt bằng đến nay hơn 13ha đất dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính vẫn trong tình trạng hoang phí.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết, từ khi triển khai giải phóng mặt bằng, quận Thanh Xuân đã phải ứng ra hơn 20 tỷ đồng để phục vụ cho công tác này. Nhưng hiện tại, hiệu quả của dự án chưa thấy khả quan. Mặc dù, nơi đây được xác định là công viên công cộng có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan cũng như phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân ở thành phố.
Không chỉ tại các khu đất nằm trong dự án “treo”, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, không phát huy hiệu quả mục đích sử dụng, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đất đai cũng đang xuất hiện tràn lan trên địa bàn thành phố, gây bức xúc dư luận. Điển hình phải kể đến khu đất có diện tích hơn 22.000m2 tại số 62 phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Khu đất này chịu sự quản lý và sử dụng của Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1. Diện tích sử dụng lớn là vậy, nhưng trong những năm qua, mục đích sử dụng của khu đất “vàng” này đã bị biến tướng gây lãng phí kéo dài.
Vào thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND thì trong khuôn viên khu đất này, các hạng mục như nhà xưởng, kho chứa đồ, phòng làm việc... đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cỏ mọc um tùm. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi thấy nhà xưởng sản xuất nội thất; xe ôtô xếp thành hàng chờ sửa chữa, bảo dưỡng.
Khu đất của Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1 đang bị đề nghị thu hồi. |
Xử lý dứt điểm, tránh gây bức xúc cho người dân
Dự án “treo”, đất sử dụng sai mục đích từ lâu nay đang khiến dư luận bức xúc. Bởi đi kèm với nó là hàng loạt vấn đề phải bàn, nhất là đối với cuộc sống của người dân. Bác Ngô Doãn Hiếu, 88 tuổi, nhà ở tổ 49, phường Phương Liên (quận Đống Đa) cho biết, việc dự án cải tạo hồ Ba Mẫu ì ạch hơn 20 năm qua đã khiến cuộc sống của người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn: nước không có, cải tạo nhà, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được… là một thực tế mà nhiều hộ dân ở quanh khu vực hồ Ba Mẫu đang đối diện.
Bác Ngô Thị Vân, 56 tuổi, ở đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) cho hay, khi nghe tin trên địa bàn khởi động dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính, bác cũng như mọi người dân xung quanh rất hồ hởi vì tới đây sẽ có một không gian trong lành với các hạng mục vui chơi lành mạnh. Nhưng đến nay, sau nhiều năm mong chờ, bác Vân cũng như nhiều người dân khu vực cảm thấy thất vọng vì dự án bị “đắp chiếu”.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, bà Đỗ Hương Giang, Chủ tịch UBND phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) cho biết, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, gây lãng phí kéo dài tại số 62 phố Phan Đình Giót đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Chính quyền địa phương cũng như người dân không khỏi bức xúc bởi trong khi người dân sinh sống trên địa bàn đang thiếu các điểm vui chơi, công trình công cộng như: nhà văn hóa, chợ dân sinh, sân vui chơi thiếu nhi… thì một phần diện tích lớn đang bị sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội về việc thanh tra chấp hành Luật Đất đai đối với Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1 sử dụng đất tại số 62 phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt nêu rõ, công ty đã có hành vi vi phạm như: Ký hợp đồng cho các tổ chức khác thuê nhà, nhà xưởng và kho sử dụng không đúng mục đích; sử dụng đất không hiệu quả. Đáng nói là tính đến tháng 12/2010, Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1 còn nợ Nhà nước 4,2 tỷ đồng tiền thuê đất.
Trước những vi phạm trên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề nghị UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi phần diện tích đất trên của công ty.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện 32 khu đất có sai phạm trên địa bàn bốn quận, huyện gồm: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ và Từ Liêm với diện tích khoảng 488.545m2. Trong đó, có 19 khu đất trống chưa sử dụng, 10 khu đất sử dụng sai mục đích. Liên quan đến việc để đất bỏ hoang có một số doanh nghiệp như: Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Công ty cổ phần Hacinco, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội…
Năm 2009, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi đất của 7 tổ chức với tổng diện tích hơn 23.678m2; năm 2010 là 13 tổ chức với 135.913m2; năm 2011 là 9 tổ chức với hơn 56.255m2, và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trình UBND TP ra quyết định thu hồi của 10 tổ chức với 8.131.511m2 đất như trường hợp của Hợp tác xã Vận tải Hòa Hưng (Hà Đông), Hợp tác xã Đồng Vinh (Đống Đa), Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội (Đan Phượng). Tuy nhiên, so với thực tế hàng trăm dự án “treo” trên toàn thành phố thì kết quả này là khiêm tốn. |