UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng như xây nhà trái phép, không phép và xây “nhà siêu mỏng, siêu méo”…

Đây không phải lần đầu tiên thành phố đưa ra những chỉ thị thế này, bởi có một nghịch lý là, trong khi thủ đô mỗi năm vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng những con đường mới và cải tạo bộ mặt đô thị, thì những căn nhà siêu mỏng, siêu méo và những công trình xây dựng tự phát, manh mún vẫn mọc lên ngày một nhiều tại các tuyến đường mới mở.
7 mét mặt tiền, và 3 mét chiều sâu. Gia đình một phụ nữ đã sống trong ngôi nhà hình tam giác 7 năm Chèn hìnhnay. Chật hẹp, khó kê đồ nhưng 7 con người vẫn chẳng còn một lựa chọn nào.
Chủ nhân nhà siêu méo cho rằng: “Sau khi giải tỏa mặt bằng xong thì cái nhà chỉ còn có thế này, cũng vẫn phải cố gắng cơi nới để mà ở thôi, nhà thì đông người…”.
Dọc những con đường mới mở ở Hà Nội, người ta có thể bặt gặp những căn nhà diện tích nhỏ và hình thù kỳ dị ở bất cứ nơi đâu. Dù pháp luật hiện hành đã quy định không cho phép xây dựng với những thửa đất có diện tích dưới 15m2, hoặc chiều dài các cạnh dưới 3m, nhưng trên thực tế, hiện tượng lách luật hoặc làm luật vẫn diễn ra phổ biến.
Còn với chủ nhân của những ngôi nhà méo lập luận của họ là, pháp luật đã cho phép những thửa đất méo tồn tại thì họ phải được quyền xây dựng, còn ngôi nhà sau khi đã xây lên dù có hình dáng méo hay tròn, làm đẹp hay bôi xấu bộ mặt đô thị thì đó là do những người làm quy hoạch.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, mấu chốt của hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo là do sự thay đổi về trị giá của những mảnh đất sau khi mở đường. Giá đất tăng lên gấp hàng chục lần khiến không ai đành bỏ hoang những mảnh đất dù nhỏ hay méo.
Ông Trần Ngọc Hùng: “Chúng ta có lợi thế rất lớn so với các nước tư bản, đó là đất đai của chúng ta là sở hữu toàn dân. Nhà nước đang nắm trong tay một lượng tiền cực kỳ lớn thông qua đất đai. Thế nhưng vừa rồi, nhà nước lại không thu lợi được bao nhiêu mà hầu hết cái chênh lệch giá trị của đất đai theo cơ chế thị trường lại rơi vào túi những công ty buôn bán bất động sản”.
Con đường Kim Liên Ô Chợ Dừa từng được mệnh danh là con đường đắt nhất hành tinh, sở dĩ có cách gọi như vậy là bởi, để xây mỗi mét đường ở đây, Nhà nước đã phải bỏ ra tới 1,1 tỷ đồng và 80% trong số đó là tiền dùng để giải phòng mặt bằng. Thế nhưng có một nghịch lý là, sau khi con đường xây xong nhà nước lại hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ sự sầm uất của con phố này.
Đà Nẵng là thành phố duy nhất ở Việt Nam đã giải quyết được hiện tượng nhà siêu mỏng siêu méo. Cách làm của thành phố này khi xây đường là giải tỏa thêm từ 60-90m hai bên đường để xây dựng lại theo quy hoạch và bán đấu giá cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu, cũng như bố trí làm nhà tái định cư.
Tuy nhiên theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thì cách làm này vẫn chưa khả thi với thủ đô.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: “Hà Nội không phải là không biết kinh nghiệm của Đà Nẵng, Hà Nội đã nghĩ đến cách làm này từ 7 năm nay rồi, nhưng vấn đề là Hà Nội là một đô thị đặc biệt với những điều kiện cũng hết sức đặc biệt. Ở đây những vấn đề liên quan đến đất đai là vô cùng nhạy cảm và phức tạp. Thêm vào nữa, những hành lang pháp lý để thực hiện giống như Đà Nẵng vẫn chưa đủ. Đặc biệt là trong bối cảnh sự phối hợp giữa các cấp chính quyền thiếu đồng bộ thì lại càng khó thực hiện”.
Còn ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì cho rằng, cứ tiếp tục cách mở đường mà không thu hồi đất hai bên đường như hiện nay thì chỉ làm lợi cho những người kinh doanh bất động sản và năm trước quy hoạch. Vấn đề là, để thực hiện như Đà Nẵng, Hà Nội cần phải bỏ qua những lấn cấn về mặt lợi nhuận.
Ông Đặng Hùng Võ: “Đà Nẵng là địa phương đứng đầu trong bảng năng lực cạnh tranh của VCCI về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, thế nên họ có quyết tâm và họ làm được. Vậy thì chúng ta phải xác định làm sao để sạch tham nhũng trong quá trình chuyển đổi đất đai thì chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề này”.
Hà Nội đang đẩy mạnh việc quy hoạch lại đô thị, những mảnh đất siêu mỏng ngày càng nhiều hơn. TP.Hà Nội hạ quyết tâm sẽ không để những ngôi nhà dị dạng mọc lên ở đây. Để làm được điều đó sẽ cần đến sự quyết liệt và nghiêm khắc của các cấp chính quyền trong một thời gian dài. Công việc sẽ đơn giản hơn nếu những mảnh đất này sau mở đường không còn tồn tại.

Cafeland.vn - Theo Anh Ngọc (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland