12/12/2012 8:47 PM
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi một văn bản đề xuất các giải pháp nhằm “phá băng” trên thị trường bất động sản Việt Nam. Song, nhiều nhà kinh tế lại nhìn nhận khác.

Bong bóng bất động sản đang vỡ sẽ mang lại lợi ích cho phần đông dân chúng. Ảnh TL.

Văn bản này được gửi tới Thủ tướng, các Bộ trưởng Xây dựng, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, UBND TPHCM và Hà Nội, và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC )

Giải pháp cơ bản, theo VAFI kiến nghị, Nhà nước sẽ dành 8.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất trong 3 năm tới nhằm hỗ trợ cho người có thu nhập thấp và trung bình được hưởng lãi suất ưu đãi khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

VAFI tính toán, người mua nhà trị giá dưới 2 tỉ đồng/căn được vay với lãi suất ưu đãi là 7%/năm cho 3 năm đầu, nhà nước sẽ cấp bù lãi suất khoảng 3-5%/năm.

Với 8.000 tỉ đồng Nhà nước bỏ ra sẽ thu hút số vốn đầu tư khoảng 120.000 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 120.000 căn hộ chung cư.

Giải pháp thứ hai, theo VAFI, các chính quyền địa phương, nhất là các đô thị lớn xây dựng cho mình một Quỹ nhà tái định cư giá rẻ và chất lượng cho giai đoạn 2013-2020.

Hiệp hội này tính toán, do giá bất động sản đã giảm khá mạnh (30-60%), các địa phương lớn cần có kế hoạch mua tổng cộng khoảng 25.000 căn hộ tương ứng với số tiền khoảng 25.000 tỉ đồng.

VAFI cho rằng nguồn tài chính để thực hiện kế hoạch này là có thể. Nếu các địa phương “chịu khó năng động, sáng tạo” thì có thể mua được 10.000 căn hộ.

Bên cạnh đó, nguồn tài chính sẵn có của SCIC và Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp (hiện do SCIC quản lý) có thể mua được 15.000 căn hộ.

Những giái pháp kiến nghị tiếp theo của VAFI bao gồm: Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 1%/năm, sau đó là 0%/năm; áp thuế giá trị gia tăng cho hoạt động mua vàng miếng và vàng trang sức ở mức 10% trên giá trị mua; và hình thành các “đội cứu hỏa” từ trung ương đến địa phương để nhanh chóng cứu thị trường bất động sản.

Kiến nghị của VAFI được đưa ra sau khi một số lãnh đạo của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội và một vài địa phương khác cho rằng Nhà nước cần can thiệp để cứu thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, những kiến nghị giải cứu như vậy với mục đích viện dẫn là chấn hưng kinh tế là rất sai lệch trong hoàn cảnh hiện nay.

Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, cho rằng Nhà nước không nên và không thể can thiệp nhằm “giải cứu” thị trường bất động sản lúc này. Lý do chính là không còn nguồn lực tài chính. Ông Cung nói: “Nhà nước không còn khả năng cứu thị trường bất động sản nếu nhìn vào tình trạng khó khăn chưa từng có trong thu ngân sách hiện nay”.

Ông Cung cho rằng, thật không công bằng khi giải cứu chính những nhóm người góp phần tạo nên bong bóng bất động sản, mà hàng triệu người dân có nhu cầu chỗ ở không thể tiếp cận được.

“Giải cứu họ sẽ tạo ra bất bình trong dân”, ông Cung nói.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là phải giảm giá bán để tự cứu mình, thay vì trông chờ vào Nhà nước.

Ông Thiên cho rằng, hoàn cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay đã khó khăn hơn nhiều so với năm 2009, khi Nhà nước tuyên bố chi tới hơn 8 tỉ đô la Mỹ để kích thích nền kinh tế.

Cũng như ông Cung, ông Thiên cho rằng sẽ có nhiều người dân có cơ hội tiếp cận chỗ ở nếu giá bất động sản giảm tiếp.

“Nếu giải cứu bất động sản, mà không để giảm giá tiếp, thì là giải cứu ai? Phần lớn dân cư được lợi gì từ đó?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Theo nghiên cứu của Dragon Capital, cả TPHCM và Hà Nội mỗi nơi có khoảng hơn 35.000 căn hộ sẵn sàng để bán. Nếu mức giá là 2 tỉ đồng thì số vốn bị “chôn” lên tới 140.000 tỉ đồng. Dragon Capital nhận định nếu không có giải pháp để kích cầu mua căn hộ, có lẽ cần ít nhất 7 năm mới tiêu thụ hết lượng căn hộ tồn kho hiện nay.

Theo Tư Hoàng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.