Bản sắc Đà Lạt
Dù trải qua bao biến động của thời gian, của cuộc sống đổi thay, thì về cơ bản bao năm qua, trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và hội nhập, Đà Lạt vẫn tương đối giữ được cho mình những nét đặc trưng riêng vốn có.
Ban mai trên thành phố sương mù Đà Lạt. Võ Trang (Báo Lâm Đồng)
“Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” là tính chất đặc thù tiêu biểu nhất của Đà Lạt. Từ sau khi được bác sĩ Alexander Yersin khám phá ra vào năm 1893 và bắt đầu được người Pháp quy hoạch xây dựng, Đà Lạt đã là một “thành phố trong rừng” với diện tích rừng chiếm tỷ trọng cao so với diện tích tự nhiên với 231,6 ngàn ha đất rừng, chiếm 69% diện tích tự nhiên (tính chung cả vùng đô thị Đà Lạt). Thành phố này cũng hội đủ ba yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, mỹ quan kiến trúc và môi trường không khí trong lành.
Theo một số nghiên cứu, Đà Lạt là thành phố có nhiệt độ ôn hòa hàng đầu thế giới, nhiệt độ bình quân là 18oC, biên độ nhiệt trong năm khoảng từ 3 - 4oC, tạo nên khí hậu mát mẻ, không quá nóng cũng không lạnh lắm, thích hợp là nơi nghỉ mát lý tưởng. Nơi đây còn thu hút bởi vẻ đẹp và sự hài hòa của kiến trúc độc đáo kiểu châu Âu.
Đà Lạt còn ấn tượng bởi những nét văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa bản địa Tây Nguyên (chủ yếu là văn hóa của người K’Ho, Mạ, Chu Ru,…). Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định: Văn hóa Đà Lạt là sự kết tinh giữa văn hóa dân tộc bản địa với văn hóa các vùng, miền tạo nên nét bản sắc rất đặc trưng. Đà Lạt có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia và hiện nay đang lưu giữ hai Di sản Văn hóa được UNESCO công nhận là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Mộc bản Triều Nguyễn.
Đà Lạt mới - lớn và hiện đại
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong quá trình phát triển và xu thế đô thị hóa hiện nay, Đà Lạt đang đứng trước những thách thức và mâu thuẫn cần phải giải quyết, đó là: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa yêu cầu và khả năng nguồn lực; giữa hiện hữu và tương lai. Theo ông Tiến, để giải quyết những bài toán đang đặt ra cho sự phát triển của Đà Lạt, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững; bên cạnh việc cần xác định rõ mô hình tăng trưởng kinh tế và mô hình phát triển đô thị cho Đà Lạt, cần phải lý giải những đặc trưng riêng có về lĩnh vực văn hóa, nhất là bản sắc dân tộc Tây Nguyên tại Đà Lạt hòa quyện với văn hóa các vùng miền trong cả nước, quá trình hấp thu giá trị văn hóa trong hội nhập để phát triển, vấn đề bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các công trình kiệt tác, những di sản, làng nghề truyền thống…”.
Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã phác họa hình ảnh một Đà Lạt mới, với chuỗi các đô thị vệ tinh, liên kết nhau, trong một nguyên tắc thống nhất: vừa phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng đô thị, địa phương trong vùng quy hoạch, đồng thời phải đảm bảo việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc của một Đà Lạt truyền thống (về khí hậu, cảnh quan rừng, không gian mặt nước, tính chất đô thị sinh thái) và kế thừa tính hiện đại trong ý tưởng quy hoạch, kiến trúc đô thị, thể hiện văn hóa - phong cách sống kiểu châu Âu.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa - Trưởng Khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhận xét mô hình phát triển này không chỉ đơn thuần là mở rộng Đà Lạt từ 39.440 ha hiện nay lên thành 335.930 ha (tăng gấp 9 lần) và dân số tăng từ 211.969 người lên 750.000 người (tăng 3,5 lần) vào năm 2030, mà là phát triển vùng đô thị Đà Lạt với hạt nhân vẫn là thành phố Đà Lạt hiện hữu.
Theo GS.TS. Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Đà Lạt có truyền thống phát triển theo hướng du lịch và nghỉ dưỡng, đến nay truyền thống và tiềm năng này vẫn còn và có thể phát huy cao hơn trong điều kiện mới. “Tôi không thiên về hướng mở rộng Đà Lạt ngay lúc này mà chỉ cần dành đất ở gần Đà Lạt như vùng liên kết với tỉnh Lâm Đồng. Cần thận trọng mở rộng diện tích, có thiết kế quy hoạch đàng hoàng mới xây dựng mới”.
Ở một góc độ khác, PGS.TS. Trần Thị An (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã chỉ ra những tài nguyên cảnh quan đặc sắc của Đà Lạt như hồ, thác nước, rừng thông hiện đã không còn giữ được nguyên vẹn do ô nhiễm, bồi lắng, do đô thị hóa, quy hoạch khu du lịch, chặt phá, lấn chiếm làm đất sản xuất nông nghiệp, di dân tự do.... “Bảo tồn và phát triển, đó luôn là một bài toán cần cân nhắc hết sức thận trọng, và Đà Lạt, để hướng tới phát triển du lịch bền vững chắc chắn phải tính toán kỹ việc khai thác và bảo vệ cảnh quan đặc trưng này” - Tiến sĩ An chia sẻ. Cũng với ý kiến bảo tồn cảnh quan đặc trưng, Giáo sư Nguyễn Quang Thái khuyến nghị Đà Lạt phải bảo tồn cho được cảnh quan của “thành phố trong rừng và rừng trong thành phố” và phát huy những nét độc đáo của mảng màu kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đặc sắc.
-
Lần đầu tiên Đà Lạt có biểu tượng nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế
Sau sự kết hợp cùng 4 thương hiệu huyền thoại trên thế giới, The One Destination - chủ đầu tư dự án Haus Da Lat chính thức công bố cùng IHG Hotels & Resort đưa thương hiệu InterContinental về Đà Lạt, kiến tạo tổ hợp resort 5 sao đầu tiên của thành ph...
-
Haus Da Lat - dự án kết hợp của loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới
Đà Lạt - thành phố được đánh giá là đặc biệt hàng đầu Đông Nam Á về khí hậu, kiến trúc, thiên nhiên, vừa đón nhận dự án bất động sản tiêu chuẩn ESG đầu tiên tại Việt Nam, kỳ vọng trở thành điểm đến mới của toàn cầu với sự xuất hiện của những thương h...
-
Liên doanh quỹ nước ngoài công bố nhà đại diện và phân phối độc quyền Haus Da Lat tại Việt Nam
Tại Haus Da Lat, 4 chuyên gia và cộng sự sẽ trở thành nhà đại diện và phân phối độc quyền thị trường Việt Nam. Các chuyên gia đều là cố vấn đáng tin cậy cho nhiều thương vụ đầu tư cá nhân tỷ đô, có chiến lược điều hành doanh nghiệp để tạo nên đội ngũ...