10/10/2011 12:50 AM
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 Chính phủ vừa đề xuất, khoảng 308.000 ha đất lúa và 65.000 ha đất cây trồng, vật nuôi khác tiếp tục chuyển đổi

Thời gian qua, những KCN, khu kinh tế, đô thị, sân golf, hạ tầng xã hội… đã “ăn” 270.000 ha đất lúa, chưa kể đất nông nghiệp khác. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì việc thu hồi đất nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế và tiêu cực.

Nhiều bất ổn

Theo TS Lê Tuyển Cử, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bộ phận người dân sau khi bị thu hồi đất làm KCN đã không tìm được việc làm phù hợp, chưa biết sử dụng tiền đền bù để làm ăn, ổn định cuộc sống. TS Chu Tiến Quang, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, tỏ ra lo ngại vì 5 năm qua, việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của trên 627.000 hộ dân, với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó nhiều hộ không có đất canh tác.

Giải bài toán “hậu thu hồi đất”

Đất nông nghiệp bị thu hồi làm KCN tại Quảng Ninh

“Nếu không điều chỉnh chính sách đồng bộ thì nông dân dễ rơi vào bần cùng hóa, xã hội bất ổn” - ông Quang nhận xét - “Hiện nay, nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp thường không được đền bù với giá kỳ vọng, không theo nguyên lý thị trường”.

Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, pháp luật hiện hành quy định 2 cách thức để chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất và cả 2 đều có mặt trái. Đó là: tự nguyện, dựa trên thương thảo trực tiếp giữa nhà đầu tư với những người đang sử dụng đất nông nghiệp; chuyển dịch bắt buộc, dựa trên quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để lấy đất của những người đang sử dụng đất nông nghiệp giao cho nhà đầu tư.

Ông Võ cho rằng do cách thức thu hồi đất chưa hợp lý đã dẫn đến người dân nhiều nơi không đồng thuận, khiếu kiện kéo dài và đông người; có nơi nông dân rơi vào cảnh khốn cùng vì thiếu phương thức sinh kế, ăn tiêu hoang phí, bài bạc... Mặt khác, cơ chế tự nguyện cũng dẫn tới tình trạng nông dân ép nhà đầu tư với giá đất rất cao, dẫn đến nhiều nơi chủ đầu tư không chịu nổi phải “bỏ của chạy lấy người”.

Chia sẻ lợi ích

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 Chính phủ vừa đề xuất, khoảng 308.000 ha đất lúa và 65.000 ha đất cây trồng, vật nuôi khác tiếp tục chuyển đổi. Do đó, cần phải giải bài toán “hậu thu hồi đất”.

TS Quang kiến nghị: Để giải bài toán này cần có một đạo luật riêng, trong đó quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, thời hạn thực hiện các nghĩa vụ, cần tính đến việc sử dụng đất đã thu hồi. Bên cạnh đó, cần thiết lập các tòa án riêng cho lĩnh vực đất đai để giải quyết triệt để tranh chấp, cũng như các quy định về khiếu nại, giải quyết đơn khiếu nại…; bổ sung, điều chỉnh những quy định về mức giá bồi thường phải bao gồm đầy đủ các khoản hỗ trợ ổn định tái định cư, di chuyển, sản xuất… Theo ông Quang, cần làm rõ tiêu chí xác định “giá chuyển nhượng trên thị trường trong điều kiện bình thường”; quy định rõ thời điểm áp dụng giá đền bù, kết hợp thêm hỗ trợ phi tài chính để tránh “sốc” cho nông dân.

GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng có thể xây dựng một đạo luật riêng hoặc bổ sung quy định ngay trong Luật Đất đai sửa đổi về những bất cập trong thu hồi đất nông nghiệp hiện nay. Theo ông, bản chất của “bi kịch” từ thu hồi đất đều có nguồn gốc từ lợi ích, do vậy việc cần làm là phải chia sẻ lợi ích sao cho công bằng. Ông Võ đề xuất luật làm rõ hơn những quy định về thương thảo giữa người đang sử dụng đất với nhà đầu tư, gắn với điều khoản Nhà nước bắt buộc thu hồi đất nhưng phải công khai, minh bạch và có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Mặt khác, có thể thành lập các tổng công ty phát triển quỹ đất quốc gia hoặc theo vùng để thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch.

Đa dạng hóa cách thức bồi thường

Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là nội dung quan trọng nhất khi thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Do vậy, luật không áp dụng cơ chế bồi thường bằng tiền một lần, bồi thường xong coi như nhà đầu tư và Nhà nước hết trách nhiệm với người bị thu hồi đất. Phải đa dạng hóa cách thức thực hiện bồi thường, có thể bằng đất cùng loại, khác loại hoặc bằng tiền…

TS Lê Tuyển Cử đề nghị cần sớm cho phép quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích người dân có đất bị thu hồi tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các dự án đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

Theo Thế Dũng (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.