Những bất cập về giá đất khiến người bị thu hồi đất chưa thể hài lòng
Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, Chính phủ đã quy định 4 trường hợp UBND cấp tỉnh phải quyết định giá đất cho phù hợp thị trường nhưng chưa có hành lang pháp lý đối với quá trình hình thành quyết định giá đất phù hợp thị trường. Ông nói: “Chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục định giá đất, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định giá đất... Đây chính là những nguyên nhân gây nên tình trạng thực hiện bồi thường GPMB kéo dài, làm tổn hại về kinh tế trong quá trình đầu tư phát triển, làm mất tính hấp dẫn của môi trường đầu tư vào Việt Nam, làm tăng lượng khiếu kiện của dân về giá đất...”.
Ngoài ra, theo GS. Đặng Hùng Võ, do chưa có quy định cụ thể về quy trình xác định giá đất nên mỗi địa phương cấp tỉnh đưa ra cách giải quyết khác nhau. Đại đa số trường hợp đều có biểu hiện nặng về áp đặt giá đất theo quyết định hành chính, thiếu phù hợp với các quy luật kinh tế của cơ chế thị trường. Hầu hết các dự án đều chưa đạt được tính đồng thuận của những người bị Nhà nước thu hồi đất về giá đất áp dụng để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khảo sát mới đây của Viện Xã hội học tại 6 dự án thu hồi đất cho thấy, trong tổng số 600 người được hỏi, 57% không hài lòng, trong đó 16% rất không hài lòng khi bị thu hồi đất; 93% cho rằng thiếu, trong đó 80% cho rằng thiếu rất nhiều khi sử dụng tiền bồi thường để mua đất ở mới tại cùng thời điểm.
Các chuyên gia báo động, giá đất trên thị trường ở Việt Nam thường không được ghi nhận trên các giấy tờ chính thức. Trên hợp đồng chuyển nhượng, giá đất chỉ ghi khoảng 1/10 giá thực đã thống nhất. Các trung tâm, doanh nghiệp định giá thường phải ghi nhận giá thị trường qua thông tin gián tiếp từ các... trung tâm môi giới, trên các trang quảng cáo bất động sản... Tình trạng này gây thất thu thuế của Nhà nước và tạo rủi ro rất lớn trong giao dịch nhà đất.