Là một trong những công trình có số vốn đầu tư lớn hàng đầu Hà Nội được triển khai trong thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong GPMB, sau đúng gần 10 năm trời triển khai, đến nay dự án xây dựng tuyến đường, hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây đã hoàn thành, kịp đón Đại lễ.
Sáng 29/9, UBND TP Hà Nội, quận Tây Hồ đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cho tuyến đường và hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây. Đến dự buổi lễ có ông Nguyễn Công Soái – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; ông Lê Quang Nhuệ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân TP; ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội…


Cắt băng khánh thành hoàn thành dự án.

Có thể thấy, Hồ Tây là thắng cảnh nổi tiếng mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân Thủ đô và cả nước. Từ bao đời nay, bên cạnh nguồn thủy, hải sản dồi dào cung cấp trực tiếp cho đời sống con người nơi đây, Hồ Tây còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết môi trường sinh thái cho cả Thủ đô Hà Nội, nhất là cư dân ven hồ, đặc biệt là cư dân của quận Tây Hồ. Chính vì lẽ đó, Hồ Tây được đánh giá là lá phổi xanh của thành phố.


Gắn biển công trình 1000 năm TL-HN cho dự án HTKT

xung quanh Hồ Tây.


Ý thức được lợi ích nhiều mặt của Hồ Tây trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1209/QĐ-TTg về việc đầu tư “Dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây”. Đó là một trong những cụm công trình trọng điểm của thành phố nhằm giữ gìn cảnh quan và bảo vệ các di tích, thắng cảnh, môi trường xung quanh Hồ Tây.

Theo đó, Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây được giao làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.011 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục đầu tư chủ yếu như: xây dựng hệ thống kè ven Hồ Tây và các hồ nhỏ liên quan; xây dựng hệ thống đường ven Hồ Tây; Xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước sinh hoạt theo đường bao quanh Hồ Tây; Xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng và đèn trang trí đường; Trồng cây xanh; đền bù GPMB…


Một góc đường ven hồ Tây.

Tổng chiều dài dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây là hơn 16km, trải trên địa bàn của 6 phường thuộc quận Hồ Tây (phường Xuân La, Nhật Tân, Bưởi, Thụy Khuê, Quảng An, Yên Phụ), liên quan đến diện tích đất của 18 cơ quan, tổ chức; gần 400 ngôi mộ và gần 250 hộ gia đình; với tổng diện tích đất phải thu hồi là 254.880m2.

Với sự chỉ đạo kịp thời và sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của các cơ quan, đơn vị, các sở, ban, ngành hữu quan từ thành phố đến cơ sở; sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; sự nỗ lực của các chủ đầu tư, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn bộ các gói thầu khép kín chu vi Hồ Tây đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.


Các xe đi thông tuyến đường.

Đáng chú ý, dự án hoàn thành đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng lấn chiếm Hồ Tây, đồng thời mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, cải thiện môi trường của Hồ Tây nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung, làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có và phát huy giá trị nhiều mặt của Hồ Tây.

Trong niềm vui chung tại buổi lễ, ông Nguyễn Phúc Quang – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cam kết, trong thời gian tới để thực hiện việc duy tu, giữ gìn, khai thác Hồ Tây có hiệu quả, chính quyền quận sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc Quyết định số 92 ngày 19/8/2009 của UBND TP Hà Nội quy định về việc quản lý Hồ Tây; bảo tồn các giá trị văn hóa, thu hút khách du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Cafeland.vn - Theo Lan Hương (HaNoimoi)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland