Ngày 16/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã nghe báo cáo phương án xử lý các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) bị tác động do thực hiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW/2017.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Hiện Bộ Tư pháp đã nhận được kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của 20 bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, có 4.475 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trên cơ sở đó, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính; Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề phân cấp, phân quyền, uỷ quyền trong quá trình sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn đáp ứng yêu cầu hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp...
Đồng thời, các đơn vị đã đưa ra những phương án, định hướng giải quyết, xử lý các văn bản QPPL bị tác động do thực hiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính phối hợp với các cơ quan có liên quan, đề xuất cơ chế thủ tục rút gọn đối với tất cả các luật, nghị định có liên quan để xử lý các văn bản QPPL bị tác động do thực hiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng như làm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh không tạo ra khoảng trống pháp lý sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện Báo cáo Tổng Bí Thư, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phương án dự kiến xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản QPPL chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Trong đó, ông Ninh yêu cầu phải nêu rõ các phương án dự kiến cụ thể để xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản.
-
Dự kiến tên các Bộ sau khi Chính phủ sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.